Wednesday, March 12, 2008

Lá Thơ Góp Ý Của Luật Sư James Chadwick


Hình trên: Quang cảnh trong phòng họp (Council Chamber) ngày 4 tháng 3 năm 2008

Thứ Tư, ngày 12 tháng 3 năm 2008
Lá Thơ Góp Ý Của Luật Sư James Chadwick
---------------------------------------
• Bài bình luận của Luật Sư James Chadwick - Nguyễn Minh Tâm chuyển ngữ.

Phiên họp của Hội Đồng Thành Phố tối hôm thứ Ba tuần vừa qua (4 tháng Ba) về vấn đề “Little Saigon”, trong một vài khía cạnh nào đó, có những điểm hết sức bất ngờ, ngoài dự đoán của nhiều người. Trong suốt hai mươi năm theo dõi những biến cố xảy ra ở thành phố San Jose, tôi chưa hề thấy có một cộng đồng nào tham dự vào vấn đề của mình một cách nhiệt tình như công đồng người Mỹ gốc Việt.

Thành phần khán giả đến dự đông hơn bất kỳ một phiên họp nào của Hội Đồng Thành Phố mà tôi từng được trông thấy hay nghe nói đến. Hàng trăm người đứng đầy hành lang Toà Thị Chính, chưa kể hàng trăm người khác bị buộc phải đứng ở bên ngoài toà thị sảnh để lắng nghe diễn tiến phiên họp, trong cái lạnh giá của không khí về đêm.

Đáng tiếc hơn nữa là phiên họp vào tối thứ Ba đó còn bất ngờ hơn vì có tính chất điêu xảo, vì bị dàn cảnh, giật dây. Nhằm mục đích tạo hình ảnh về một sự chia rẽ không hề có trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và cũng để tránh những câu hỏi trọng tâm của vấn đề đang tranh chấp, Văn Phòng Thị Trưởng đã dựng nên một sân khấu chính trị không phải để nhằm phục vụ cộng đồng người Mỹ gốc Việt, hay phục vụ Thành Phố nói chung.

Mặc dù Thành Phố đã biết trước số khán giả đến dự thính sẽ rất đông, nhưng họ vẫn áp dụng thủ tục làm cản trở hàng trăm công dân không cho họ vào phát biểu ý kiến. Phiên họp về vấn đề Little Saigon bị chỉ định vào lúc 7 giờ tối, thay vì có thể bắt đầu vào lúc 3 giờ chiều, để Hội Đồng Thành Phố có thể giải quyết hầu hết các vấn đề còn lại trong Chương Trình nghị sự. Nếu như bắt đầu sớm, thành phố có thể mời tất cả số khán giả đến dự thính vào ngồi trong hội trường. Hậu quả là tiếng nói của nhiều người bị từ khước không cho nói. Khả năng hạn chế của Toà Thị Chính khiến cho hàng trăm người phải đứng ngoài trời. Điều này có thể hiểu được. Nhưng những người đứng ngoài trời không được có cơ hội bước vào Hội Trường để lên tiếng. Họ được trao cho tấm giấy đóng góp ý kiến, gọi là “comment” cards, nhưng chẳng có ai xem qua, hay đọc nó trước khi HĐTP lấy quyết định. Không chừng những tấm giấy ghi ý kiến ấy bị vứt bỏ vào thùng rác.

Trước khi một khán giả được cho phép lên phát biểu ý kiến, hai nhóm được xếp ngồi thành hai phe - một nhóm ủng hộ danh xưng Little Saigon, nhóm kia ủng hộ đề nghị của ông Thị Trưởng Chuck Reed và Nghị Viên Madison Nguyễn. Dĩ nhiên nhóm ủng hộ danh xưng Little Saigon đông hơn nhóm ủng hộ ông Reed và cô Nguyễn rất nhiều, nhưng nhìn vào người ta sẽ sự ủng hộ đó cũng tản mác lắm. Và với qui định chỉ những người ngồi trong Hội Trường mới được lên phát biểu ý kiến, để đảm bảo rằng phe ủng hộ ông Thị Trưởng, tuy rất nhỏ so với phe kia, song vẫn được lên làm diễn giả.

Không phải là do tình cờ ngẫu nhiên mà những người ủng hộ ông Thị Trưởng được mời lên nói sau cùng, để bảo đảm rằng tiếng nói sau cùng của công chúng được HĐTP lắng nghe. Ngoài ra, có nhiều diễn giả thuộc nhóm ủng hộ ông Thị Trưởng lại được phép nói dài hơn thời gian cho phép phát biểu là một phút - giới hạn đó được áp dụng rất chặt chẽ cho những người ủng hộ “Little Saigon”.

Nhưng điều đáng tiếc nhất cần phải nêu ra là cái thủ đoạn điều hướng cuộc thảo luận tại nghị trường của ông Thị Trưởng. Mặc dù HĐTP có đưa ra nhiều chọn lựa do các Nghị Viên đề nghị, nhưng ông Thị Trưởng cho gọi cô Nguyễn lên nói trước. Cô đưa ra đề nghị thu hồi quyết định trước đây của HĐTP, nhưng không giải vấn đề còn lại đó là: nên đặt tên khu thương mại này là gì để mọi người cùng đồng ý với nhau. Khi Nghị Viên Kansen Chu đề nghị trình lên Hội Đồng bỏ phiếu chấp thuận danh xưng “Little Saigon”, ông Thị Trưởng ngăn chặn ngay đề nghị này. Ông nêu lý do là Hội Đồng phải bỏ phiếu quyết định về đề nghị của cô Nguyễn trước đã. Sau khi đề nghị của cô Nguyễn được chấp thuận, ông Chu lại đưa ra đề nghị của mình một lần nữa. Ngay tại thời điểm này, dùng một chiến thuật là đã được chuẩn bị từ trước, Nghị Viên Sam Liccardo vội vàng đưa ra “đề nghị tạm thời thay thế”, làm như vậy để ngăn không cho Hội Đồng bỏ phiếu về danh xưng “Little Saigon”. Lần này, chính ông Thị Trưởng bầy tỏ thái độ chống đối, lập tức kêu gọi cần phải thảo luận và bỏ phiếu về đề nghị tạm thời thay thế này, không cho giải quyết đề nghị của Nghị Viên Kansen Chu đã được đề nghị trước. Rõ ràng là ông Thị Trưởng cố tình né tránh vấn đề đích thực, và duy nhất của phiên họp đó là: Nên đặt tên gì cho khu vực thương mại.

Tôi không nói mình là một người quan sát viên vô tư, không thiên vị. Tôi đến dự phiên họp nhân danh một hội đoàn ủng hộ việc hình thành khu Little Saigon (Cộng Đồng Người Mỹ gốc Việt ở Bắc California). Nhưng thủ đoạn giật dây, điều khiển phiên họp của ông Thị Trưởng khá lộ liễu, ai cũng nhận thấy. Cái lối giật dây, né tránh có tính toán trong vấn đề đặt tên sẽ không đem lại sự ổn định, hòa giải như ông Thị Trưởng từng mong muốn tìm kiếm. Tuy nhiên, có lẽ nó sẽ tạo nên sự chối bỏ không áp dụng nguyên tắc công khai của guồng máy chính quyền, và sự tham dự có ý nghĩa của quần chúng, như ông đã hứa trong lúc ông tranh cử chức Thị Trưởng. Ít ra là vào lúc này, ở San Jose, nguyên tắc chính quyền phải làm mọi việc công khai, sáng tỏ dưới ánh mặt trời, đã bị thay thế bằng lối làm việc dàn ảnh, lấp lánh dưới ánh đèn mầu của sân khấu – nói theo lối nói của chính trị gia James Madison – thì lối làm việc mờ ám đó chỉ đưa đến thảm kịch, hoặc một màn kịch vô duyên rỗng tuếch, hay là cả hai.

Bài bình luận của Luật Sư James Chadwick
Nguyễn Minh Tâm chuyển ngữ.

http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2008/20080312_02.htm