Wednesday, March 19, 2008

Cuối Cùng Thì Vụ Rắc Rối Về Danh Xưng “Saigon” Được Bỏ Lại Sau Lưng: Đến Lúc Phải Chấm Dứt thôi

Thứ Ba, ngày 18 tháng 3 năm 2008
Cuối Cùng Thì Vụ Rắc Rối Về Danh Xưng “Saigon” Được Bỏ Lại Sau Lưng: Đến Lúc Phải Chấm Dứt thôi.
-------------------------------------------------------------
• Bài tường trình của Scott Herhod trên SJ Mercury News ngày 14/3/08 | Nguyễn Minh Tâm dịch



Hình trên: Thị Trưởng Chuck Reed và NV Madison

Cuối Cùng Thì Vụ Rắc Rối Về Danh Xưng “Saigon” Được Bỏ Lại Sau Lưng: Đến Lúc Phải Chấm Dứt thôi.

Bài tường trình của Scott Herhod trên SJ Mercury News ngày 14/3/08
Nguyễn Minh Tâm dịch

Đó là một ngày các đầu óc bình tĩnh xuất hiện, một ngày cái máy thổi sương mù để làm dịu khí trời bên ngoài Tòa Thị Chính có thể tạm nghỉ. Đó là ngày ba ly nước chanh sô đa và một bát phở báo hiệu thắng lợi đã đạt được. Vâng, có lẽ đó là ngày chúng ta có thể chấm dứt cơn ác mộng kéo dài ở San Jose.

Khi ông Lý Tống bước vào trong chiếc xe Toyota Avalon, và được lái đưa đi, sau khi ông quyết định chấm dứt tuyệt thực, những người bạn ông trong nhóm tranh đấu cho danh xưng “Little Saifon” có thể coi như họ đã thắng trận đấu với Toà Thị Chính về việc phải gọi tên khu phố trên đường Story Road là gì.

Quan trọng hơn cả là tất cả chúng ta đều có thể coi đây là một thắng lợi lớn nhờ sự tỉnh táo sáng suốt. Đại khái là đôi bên đồng ý chấp nhận danh hiệu “Little Saigon” cho khu vực này. Việc làm danh hiệu đó sẽ do tổ chức tư nhân thực hiện, chính quyền không can dự vào. Chỉ có thế thôi, nhưng sao nó mẫn cảm quá để đến nỗi phải kéo dài lâu như vậy.

Đây là một trận thư hùng mà đối với ai không hiểu rõ tâm tư của cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì tưởng đó là chuyện không quan trọng . Danh xưng “Little Saigon” là tiếng kêu gào tập thể của những người từng bị chế độ cộng sản ở Việt Nam ngược đãi, nó là biểu hiệu cho niềm hãnh diện của họ trên nước Mỹ.

Phải chăng những người tranh đấu cho danh xưng “Little Saigon” lúc đầu có thái độ cọc cằn, và nóng nẩy mỗi khi họ muốn trình bầy quan điểm của mình? Vâng, điều này có. Liệu chừng việc nhượng bộ một người tuyệt thực rồi đây có sẽ tạo nên một tiền lệ xấu hay không? Dạ phải, Có thể lắm chứ. Hiếm khi nào chúng ta thấy một lãnh tụ nghiệp đoàn, hay một nhà phát triển điạ ốc ngồi tuyệt thực trước tiền đình Toà Thị Chính (ngồi ăn bừa bãi thì có, chứ ngồi tuyệt thực thì không).

Cần Phải Hoà Giải Với Nhau



Hình trên: Lý Tống ăn phở (ngưng tuyệt thực) sáng Thứ Năm ngày 13/3/2008

Tuy nhiên, nói gì thì nói, nếu đem so với tình trạng công việc ứ đọng của thành phố chỉ vì chuyện nhỏ trên, thì thấy đã đến lúc nên bỏ lại vấn đề này sau lưng. Khi ông Lý Tống được mời lên lầu thứ 18 của Toà Thị Chính để ký văn kiện đồng thuận giải quyết vấn đề vào sáng hôm thứ Năm, thì lúc đó sân khấu của một vở kịch khó hiểu được vén màn để mọi người thấy rõ ràng hơn.

Trước khi đi đến giai đoạn ký kết văn kiện thoả thuận, dàn giá của vở kịch trên sân khấu chính trị ở Toà Thị Chính tiết lộ cho chúng ta biết khá nhiều về vai trò của mỗi nhân vật đóng trong bối cảnh chính trị của thành phố. Dưới đây là sơ lược vị thế của mỗi nhân vật trong vụ này như sau: Madison Nguyễn trên đà đi xuống, Sam Liccardo ngôi sao đang lên, và Thị Trưởng Chuck Reed bị tổn thương, song vẫn còn sống sót.

Liccardo, đôi khi được nhắc đến như là nhân vật sẽ ra làm thị trưởng trong tương lai, đã đóng vai trò chủ yếu để đạt đuợc sự thỏa thuận vào sáng hôm thứ Năm. Cô Nguyễn, người nghị viên Việt Nam duy nhất, hầu như đứng ngoài không đóng vai trò gì cả.

Vấn đề chữ ký đại diện sai mục đích

Hẳn quí độc giả còn nhớ trong phiên họp của HĐTP tuần trước, khi Hội Đồng bắt đầu thảo luận việc đặt tên, ông Liccardo đã đưa tay giơ cao một tờ thỉnh nguyện có 92 chữ ký của các chủ cơ sở thương mại phản đối danh xưng “Little Saigon”.

Vào cuối tuần, người ta tìm thấy rằng không phải tất cả những người ký vào thỉnh nguyện thư này có cùng quan điểm chống lại danh xưng “Little Saigon”. Ông Liccardo thú nhận rằng tài liệu này là “bố láo, không thể hiện trung thực”. Phe tranh đấu cho danh xưng “Little Saigon” thì gọi đây là một gian trá, nguỵ tạo chữ ký.

Sau khi khám phá ra sự gian trá đó, ông Nghị Viên sợ rằng mình bị hố to, là nạn nhân của một kẻ lừa gạt, nên ông vội vàng cố gắng đi tìm phe “Little Saigon” để thương lượng. Ít lâu sau, họ thỏa thuận về một ý kiến đã từng được ông Phó Thị Trưởng David Cortese đề nghị vài tháng trước đây: Hãy để một tổ chức tư nhân đứng ra tài trợ việc dựng bảng hiệu “Little Saigon” cho khu vực trong lúc này. Chính quyền thành phố hãy tránh ra, đừng công khai can dự vào vấn đề này.

Ông Reed sẵn sàng ký vào sự thỏa thuận này. Nguồn tin riêng của tôi cho biết cô Nguyễn hầu như vắng mặt gần hết trong các cuộc thảo luận về việc này. Chính cô là người trước đây đã đòi phải đặt cái tên vụng về “Saigon Business District”. Về sau, do sự yêu cầu của văn phòng thị trưởng, tên của cô ta được ghi thêm vào văn thư hôm thứ Năm. Phải nói chính ông Liccardo là người đã vận dụng chữ nghĩa để thảo ra văn kiện này.

Ông Liccardo nói: “Tôi phải làm việc miệt mài với cái computer, và chặt chẽ với văn phòng thị trưởng để thảo ra văn kiện đồng thuận. Đây là điều ông Thị Trưởng mong muốn hết sức để đạt cho bằng được, đó là sự hòa giải.”

Vấn đề nan giải sau cùng là làm sao để thuyết phục được ông Lý Tống ngưng tuyệt thực. Ngày 6 tháng Ba ông Thị Trưởng đã trao cho ông Lý Tống một lá thư, nói rõ ông đang tìm cách hoà gỉai. Sau đó, đến tuần này, chính ông Liccardo đích thân đến nói với vị cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà rằng một giải pháp cho vấn đề sắp sửa đạt được. Ông Lý Tống lúc này đang lả người vì suy yếu.

Đến sáng ngày thứ Năm, tin đồn được loan ra qua phái đoàn đến đón ông Lý Tống. Họ đưa ông lên văn phòng Thị Trưởng đặt trên lầu 18. Ông ký vào tờ giấy thoả thuận. Sau đó, ông đi sang tiệm Phở Lan bên kia đường để ăn phở. Và những người đi theo tháp tùng ông mừng rỡ báo tin thắng lợi, họ ký tên bằng mực đỏ trên tấm lều tuyệt thực của ông để mừng chiến thắng.

Bài tường trình của Scott Herhod trên SJ Mercury News ngày 14/3/08
Nguyễn Minh Tâm dịch.

http://vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2008/20080318_05.htm