Thursday, April 30, 2009

DTS: Phải có ánh sáng người ta mới thấy được sự thật trong bóng đêm

Phải có ánh sáng người ta mới thấy được sự thật trong bóng đêm

* Đặng thiên Sơn

“Đạo luật Brown Act (California Government Code sections 54950-54963) ngăn cấm những cuộc vận động thảo luận kín để được sự đồng thuận đa số trong một cơ chế công cộng, hay bàn cải về bất cứ vấn đề gì thuộc quyền quyết định của cơ chế đó. Mục tiêu đạo luật Brown Act của văn phòng Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang là “để tạo sự dễ dàng” cho công chúng tham gia trong các quyết định của chính quyền địa phương và ngăn chặn bớt sự lạm dụng dân chủ để ban hành những luật lệ mờ ám do cơ chế đó đưa ra…” .

Vào tối ngày 20/11/07, HĐTP San Jose đã biểu quyết với số phiếu 8/3, để bác bỏ tên “Little Sàigòn” đứng hạng nhứt trong bản thăm dò, để chọn tên “Sàigòn Business District” đứng hạng bét đặt tên cho khu thương mại VN trên đường Story. Nhưng vào lúc 3:00 chiều ngày 11/2/08, thị trưởng Chuck Reed và bà nghị Madison đã vội vả mở cuộc họp báo để tuyên bố hủy bỏ quyết định nói trên.

Theo dõi nội vụ, không ai ngạc nhiên trước sự thay đổi quyết định của cặp bài trùng Chuck Reed và Madison Nguyễn. Mọi người hiểu họ làm như vậy vì việc “đi đêm” của bà Madison trong việc đặt tên khu thương mại đã bị đổ bể. HĐTP đã bị Ban Đại Diện Cộng Đồng, PTCTSJ/ ĐDC phát giác có triệu chứng vi phạm luật Brown Act khi bà Madison đã lét lút vận động trước với tỷ lệ quá bán 6/11 trong HĐTP để chiến thắng trong việc đặt tên cho khu thương mại. Tuy nhiên, có thể nói ảnh hưởng lớn trong sự thay đổi quyết định của HĐTP là vì những bài viết của ký giả Joshua Molina, báo San Jose Mercury News đã đặt vấn đề “ Saigon ” vote in question. COUNCILMAN'S ADMISSION THAT NGUYEN LINED UP HIS VOTE TRIGGERS LEGAL PROBE. Và tiếp sau đó với bài “SAN JOSE COUNCIL MEMBER MAY HAVE BROKEN LAW WITH “LITTLE SAIGON” VOTE (SJMN, Feb. 12, 2008) đã trở thành công khai khi HĐTP không còn dấu nhẹm được nữa với những tiết lộ của nghị viên William Forrest trên báo chí và truyền hình.

Cũng nên biết trước đó vào ngày 29-1-2008, luật sư của Phong Trào Cử Tri SJ Đòi Dân Chủ đã gửi một “Demand Letter” cho thị trưởng Chuck Reed yêu cầu hủy bỏ quyết định nghịch lý số 74127 của 20-11-2007, nhưng cho tới ngày 6-2-2008, thị trưởng Chuck Reed vẫn cương quyết không thay đổi.

Trước thái độ coi thường luật pháp của tập đoàn HĐTP, Chủ tịch BĐD Cộng Đồng VN/BCL đã thẳn thừng cho biết: "Đạo luật Brown Act của Tiểu bang California không cho phép đa số thành viên trong HĐTP bàn tán hoặc đồng ý về một vấn đề chưa được quyết định trước công chúng (6 thành viên trong tổng số 11 thành viên là đa số). Hành động này của HĐTP bất chấp pháp luật và nhất là khinh miệt, lừa đảo hàng ngàn đồng hương đã đến tham dự buổi điều trần tại tòa thị chính trong một đêm giá lạnh của những ngày đầu Đông. Đây là một sự lường gạt, lừa đảo mà cư dân người Việt không thể chấp nhận được trong thể chế dân chủ pháp trị của đất nước Hoa Kỳ, và cũng là quê hương thứ hai của cộng đồng người Mỹ gốc Việt…" Sau lời tuyên bố của ông Nguyễn ngọc Tiên, cuộc tranh chấp giữa hai bên tại tòa án bắt đầu.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 24-7-08, tại tòa án quận hạt Santa Clara , số 192 N.1st. ST. , phòng số 9 đã diễn ra phiên xử đầu tiên CĐVN/BCL kiện HĐTP. Trong phiên tòa này luật sư thành phố Richard Doyle nói rằng, ông ta không thấy có dấu hiệu HĐTP cũng như bà Madison vi phạm luật Brown Act. Mặc dù vậy, ông ta còn nói thêm là sau đó thị trưởng Chuck Reed và Hội Đồng Thành Phố đã hủy bỏ quyết định số 74127 đặt tên khu thương mại là “Sàigòn Business District” và đã dàn xếp xong khi chấp thuận cho CĐVN được phép bỏ “tiền túi” làm những banner và cổng chào tạm thời trong 3 năm. Để kết luận, ông luật sư này xin tòa hủy bỏ vụ kiện Brown Act của Cộng Đồng Việt Nam . Nhưng tiếc thay, ông chánh án đã bác bỏ (overrule) lời đề nghị và những lập luận của luật sư Richard Doyle đưa ra và cho phép luật sư của Cộng Đồng là ông James Chadwik bổ túc các các bằng chứng để tiếp tục vụ kiện.

Nếu vấn đề Brown Act không phải là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến danh dự của từng nghị viên nói riêng và cả HĐTP San Jose nói chúng, thì luật sư thành phố đã không phải làm cái công việc 5 lần, 7 lượt tìm cách ngăn trở để nội vụ đừng phơi bày trước ánh sáng công lý. Do đó, nếu chúng ta cho rằng cộng đồng theo đuổi một vụ kiện không cần thiết, phí công, tốn của thì quả là một suy nghĩ lầm lẫn. Mà câu hỏi nên đặt ra ở đây, là theo đuổi vụ kiện chúng ta được gì, mất gì? Câu trả lời rất đơn giản.

Nếu cộng đồng thua kiện thì chúng ta mất tiền, nhưng chúng ta đã can đảm bày tỏ hành động cương quyết đòi hỏi tòa án làm sáng tỏ mọi nghi ngờ, thắc mắc của chúng ta. Hơn nữa, tiền ai cũng có thể kiếm ra được. Còn như chúng ta thắng kiện, thì chúng ta được tất cả. Được tất cả ở đây không có nghĩa là bà Madison phải mất chức hay chịu một biện pháp chế tài hình sự nào đó. Nhưng, hãy thử nghĩ một cộng đồng sanh sau, đẻ muộn, đã thắng một thế lực mạnh nhứt thành phố trong tinh thần nhân bản, thượng tôn luật pháp thì cộng đồng đó phải là một tập thể có một sức phấn đấu, đoàn kết, kiên trì như thế nào. Ngoài sự lấy lại danh dự cộng đồng, thành phố sẽ phải bồi thường tất cả án phi và lệ phí luật sư cho cộng đồng. Số tiền này có thể chúng ta sẽ dùng để dựng cổng “Little Saigon” trong tương lai khi vấn đề đặt tên được cứu xét lại và những công tác đấu tranh quan trọng khác.

Xem ra như vậy, chiến thắng được vụ kiện Brown Act là một phần thưởng vô giá, là một bằng chứng hùng hồn cho các cộng đồng bạn thấy rằng chúng ta đòi hỏi bãi nhiệm bà Madison vì bà này không xứng đáng làm nghị viên bởi những hành động lươn lẹo, phản bội cử tri chớ không phải “trả thù” vì cái tên “Little Sàigòn”. Sự thắng kiện Brown Act của CĐVN chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh mẻ vào việc tranh cử của bà Madison và ông Chuck Reed vào năm 2010, vì không ai tin tưởng những người đại diện chà đạp luật pháp để thủ lợi.

Buổi tiệc gây quỹ Brown Act tại nhà hàng Grand Fortune nằm trên đường Monterey vào lúc 11 giờ sáng ngày Chủ Nhật 3/5/09, dư âm rồi sẽ qua đi, nhưng con đường dẫn đến kết thúc vụ kiện còn dài, còn nhiều nhiêu khê, còn cần nhiều bằng chứng cụ thể, còn gặp nhiều sự cản trở bằng mọi cách của HĐTP với thế lực tiền tài trong tay, nên BĐD cộng đồng còn cần sự hổ trợ dài hạn của quí đồng hương.

Có thể có rất ít người như bà Madison coi nhẹ liêm sĩ và danh dự con người. Nhưng tôi tin rằng đa số trong chúng ta, ai cũng thấy trong đời sống ngoài tiền tài, vật chất, chúng ta còn có giá trị danh dự của cá nhân, của cộng đồng. Một thứ đạo đức CĐ cần phải được chúng ta cùng nhau bảo vệ.

Tôi nhớ đến lời TS. Lê hữu Phú, Thủ Quỷ PTCTSJ/ ĐDC nói ngày nào: “Nếu lý luận rằng tiếp tục kiện thành phố sẽ làm cho các cộng đồng nhìn cộng đồng người Việt là một "bọn qúa khích hung hăng" như vị nào đó đã quá lời miệt thị cộng đồng. Cộng đồng chúng ta nhờ đến pháp luật là cộng đồng chúng ta biết tôn trọng pháp luật làm sao bảo cộng đồng chúng ta hung hăng? Nếu qúi vị chấp thuận lý lẽ trên đây thì ý kiến của vị nào đò bảo rằng tiếp tục vụ kiện là chia rẽ cộng đồng, hao tốn tiền bạc của cộng đồng lại càng vô lý hơn”.

Trong buổi phát thanh ngày 23/4/09, trên đài VNAM 1430 của ông Huỳnh Hớn liên quan đến vấn đề Brwon Act, tôi rất đồng ý với sự trả lời của LS. Đỗ Văn Quang Minh khi có những ý kiến đóng góp của đồng hương. Chính vì vậy, chúng ta thử đặt vấn đề muốn làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, thành phố sạch sẽ hơn, con người cảm thấy thoải mái hơn, lúc đi trên đường nếu “chúng ta gặp một người đứng đái bậy, ỉ…a bậy, xả rác bậy vân vân và vân vân”. Thái độ của chúng ta là can đảm đến gần người ấy đề nghị họ đừng làm như vậy nữa hay chúng ta chỉ thở dài rồi bỏ đi? Câu trả lời sẽ biểu lộ cách sống, sự suy nghĩ của con người để thấy rằng có những điều “cần phải có ánh sáng người ta mới thấy được sự thật trong bóng đêm”.

Đặng thiên Sơn
30/4/09

---

Wednesday, April 22, 2009

Brown Act: “Cuộc đấu tranh đòi thực thi dân chủ của Cộng Đồng VN San Jose vẫn chưa kết thúc”

Brown Act: “Cuộc đấu tranh đòi thực thi dân chủ của Cộng Đồng VN San Jose vẫn chưa kết thúc”

Thời gian cộng đồng người Việt tại San Jose thực hiện việc bãi nhiệm bà Madison Nguyễn, một người đại diện bất xứng, có thể dưới mắt các cộng đồng bạn, đặc biệt là Mỹ và Mễ, họ cho là chuyện nội bộ của người Việt Nam. Người Mỹ, người Mễ nghĩ như vậy vì sự đầu độc của đài phát thanh KLIV và tờ báo thân chính quyền San Jose Mercury News. Hai cơ quan truyền thông ngoại ngữ này, đã rêu rao bãi nhiệm là sự “trả thù” cho việc đặt tên khu thương mại, nếu ủng hộ sẽ làm tốn hao ngân quỹ thành phố vốn đã bị thâm thủng.

Với những bài bình luận trên đài phát thanh KLIV, những bài báo một chiều của San Jose Mercury News bằng luận điệu khai thác nội vụ một cách xảo trá không đúng sự thật. Hai công cụ tuyên truyền của Chuck Reed và Madison, là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại trong việc bãi nhiệm bà Madison của cộng đồng VN vì những lá phiếu của người Mỹ và Mễ. Từ sự kiện này, mọi người cần nhìn thấy: Thứ nhứt, Ban Đại Diện Cộng Đồng là một tổ chức bất vụ lợi không có sự tài trợ nào từ phía ngoài, nên hoạt động hữu hiệu hay không đều tùy thuộc vào sự yểm trợ của đồng hương. Thứ hai, trong việc bãi nhiệm bà Madison còn có không ít người thờ ơ. Sự thờ ơ, lãnh đạm giống y như trước năm 1975, nhiều người cho rằng việc bảo vệ miền Nam tự do trước sự xâm lăng của CSBV là nhiệm vụ của quân đội. Hôm nay cũng vậy, họ cho rằng việc bãi nhiệm bà Madison là việc của UBBN nên dễ tin vào sự rỉ tai, gây chia rẽ của nhóm chống bãi nhiệm.

Nói chung, cộng đồng chúng ta không có phương tiện cần thiết là… TIỀN, để giải quyết những vấn đề cần giải quyết. Trong khi ấy đối với những cơ quan truyền thông Mỹ hay Mễ thì cái gì cũng tiền…là tiền… và “tiền đi trước mực thước theo sau” hơn là sự trung thực. Rốt cuộc trong cuộc chiến bãi nhiệm vừa qua trên phương diện tuyên truyền, những người hăng hái trong sinh hoạt đấu tranh chung của cộng đồng chỉ là những con kiến tha những hạt cơm rơi bò lẩn quẩn trên miệng chén của người tỵ nạn chân chính.

Nhưng bây giờ, chuyện một nghị viên vi phạm luật Brown Act vì phục vụ cho tư lợi, nếu được xác nhận với bản cáo trạng và bằng chứng rõ ràng thì đối với người Mỹ, người Mễ không thể coi là chuyện “trả thù” cho việc đặt một cái tên cho khu thương mại. Người Mỹ có thói quen vì tiền, nhưng họ cũng có ưu điểm của thói quen là không chấp nhận những điều lừa đảo, gian dối. Cho nên, khi việc bà Madison phạm luật Brown Act được phanh phui đúng mức, chắc chắc nó không còn trong phạm vi cộng đồng Việt Nam tại địa phương mà trở thành câu chuyện lớn được loan truyền khắp cả nước.

Có nhiều người không hiểu đã nói rằng, bãi nhiệm bà Madison thất bại rồi, vậy thì còn theo đuổi vụ kiện Brown Act làm chi cho tốn tiền(?) Nghĩ như vậy thật không đúng, chưa chính xác và nhận thức vấn đề chưa đúng mức.

Nhìn vào ai cũng thấy việc thực hiện bãi nhiệm và việc bà Madison phạm luật Brown Act là hai sự kiện khác nhau. Nhưng rõ ràng trong tiến trình của biến cố Cử Tri San Jose Đấu Tranh Đòi Dân Chủ do Tiến sĩ Đỗ Hùng lãnh đạo, theo sau là Ban Đại Diện Cộng đồng của ông Nguyễn Ngọc Tiên và sự thành hình Ủy Ban Bãi Nhiệm với các thành viên như Lê Lộc, Hồ Vũ, Lưu Phương, Mỹ Phương và Thomas Nguyễn là “chuỗi mắt xích đấu tranh đòi danh dự cộng đồng và thực thi dân chủ” tại thành phố của CĐVN.

Để sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng yểm trợ những việc làm chính đáng của BĐD cộng đồng. Mọi người trong chúng ta, một lần nữa cần phải hiểu rõ vấn đề - như là một bài học nằm lòng không thể phủ nhận từ bây giờ cho đến ngày bầu cử năm 2010.

Tôi xin tóm lược câu chuyện bắt đầu từ năm 2007, khi ông Tăng Lập Thành, chủ khu thương xá Grand Century, người ủng hộ bà Madison Nguyễn trong cuộc bầu cử nghị viên vào năm 2005. Khi đang xây cất khu “shopping” với tên Vietnam Town, ông Tăng Lập Thành đã nhờ bà Madison vận với Hội Ðồng Thành Phố về việc đặt tên cho khu thương mại dài 1 dậm trên đường Story. Đây không phải là điều mới mẻ, vì sự chạy chọt của ông Tăng Lập Thành rất phù hợp với ý định vinh danh cộng đồng VN vào thời cựu nghị viên khu vực 7 là ông Terry Gregory và cựu thị trưởng Ron Gonzales.

Diễn biến việc làm của bà Madison đưa đến “Recall” và vụ kiện “Brown Act” tuần tự như sau:

1- Ngày 5-6-2007, Hội Ðồng Thành Phố họp với hai nhân vật không phải là đại diện cộng đồng.


Vào ngày 5-6-2007, trong phiên họp của Hội Ðồng Thành Phố, bà Madison mời hai người trong cộng đồng VN, nhưng không bao giờ sinh hoạt cộng đồng là ông Vũ văn Lộc và ông Phạm Phú Nam thuộc hội quán IRCC lên phát biểu để ca ngợi và chấp thuận dự án đặt tên “Việtnam Town” cho khu thương mại trên đường Story.

Điều đặc biệt mà người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản chân chính trong cộng đồng phải cần biết là quyết định trên của HĐTP, chúng ta chỉ hay sau khi các Website truyền thông của CSVN loan tải vào ngày 7-6-2007 với lời chúc mừng về sự đặt tên này.

2- Ngày 15-8-2007, bà Madison hỏi ý kiến cử tri tại Thư Viện Tully sau khi đã đặt tên xong.

Ngay sau khi biết được việc đặt trên, Ban Ðại Diện Cộng Đồng đã cùng với đại diện nhiều đoàn thể đến gặp Thị trưởng Chuck Reed yêu cầu đặt tên “Little Sàigòn” thay vì là “Vietnam Town”. Tuy nhiên, Chuck Reed đã nói với phái đoàn nên phát biểu ý kiến của mình trong phiên họp vào ngày 15-8-2007, tại Thư Viện Tully do bà Madison và Cơ Quan Phát triển Thành Phố San Jose tổ chức.

Sau đó, trong phiên họp này, dù với hơn 90 % trong số gần 2 trăm người hiện diện yêu cầu đặt tên “Little Sàigòn”, bà Madison Nguyễn vẫn bác bỏ. Bà ta cho biết chỉ có những người làm thương mãi trên đường Story Road, những kẻ buôn bán và những cư dân sống trong 1,000 feet (300 mét) của vùng này mới có quyền quyết định đặt tên.

3- Ngày 23-9-2007, đồng hương họp khẩn cấp tại trường trung học Yerba Buena.

Trước hàng động “áp đặt” của bà Madison, Ủy Ban Vận Ðộng chọn tên Little Sàigòn và nhiều đoàn thể quốc gia đã họp với trên 300 đồng hương tại trường Yerba Buena ngày 23-9-2007, để tìm giải pháp dung hòa giữa hai bên, nhưng bà Madison không đến tham dự và tiếp xúc với các đoàn thể.

4- Ngày 10-10-2007, Cơ Quan Tái Phát Triển Thành Phố thông báo kết quả cuộc thăm dò.

Cơ Quan Tái Phát Triển Thành Phố do đề nghị của bà Madison đã tổ chức cuộc thăm dò. Trước sự hiện diện của trên 200 đồng hương VN tại công viên trên đường Senter Road, thường được gọi là “Vườn Nhật”, Cơ Quan Tái Phát Triển Thành Phố đã công bố kết quả cuộc thăm dò ý kiến như sau:

44/117 = 37.6 % muốn Little Sàigòn; 16/177 = 13.7 % muốn Vietnamese American Business District; 16/117 = 13.7 % không tên; 15/117 = 12.8 % muốn Sàigòn Town; 12/117 = 10.3 % muốn Vietnamese Business District; 8/117 = 6.8% muốn New Saigòn Business District; 6/117 = 5.1% muốn Sàigòn Business District.

5 - Ngày 15-11-2007, Hội Ðồng Thành Phố họp báo trước City Hall.

Thế nhưng, vào lúc 9 giờ 30 sáng thứ năm 15-11-2007, tại tiền đình City Hall thị trưởng Chuck Reed nghị viên Madison Nguyễn, Dave Cortese, Sam Liccardo và Judy Chirco thông báo rằng tên “Sàigòn Business District” là một tên thích hợp nên 5 người này đã đề nghị HĐTP chọn tên này. Khi trả lời báo chí Mỹ, Chuck Reed đã phát biểu: “Những người đòi tên Little Sàigòn cho khu thương mại chỉ là một thiểu số to mồm”.

6- Ngày 20-11-2007, đêm dài nhứt với biểu quyết nghịch lý của Hội Ðồng Thành Phố.

Trước sự phản đối của CĐVN, với trò dân chủ trá hình Chuck Reed và Madison mở một phiên họp khoáng đại mời CĐVN đến tham dự. Trong phiên họp này có trên 1,000 đồng hương đến tham dự đứng dưới sân cờ và trong phòng họp 300 người. Trong phòng họp hơn 200 người được mời lên phát biểu. Hầu hết ý kiến phát biểu đều đề nghị HĐTP đặt tên “Little sàigòn” cho khu thương mại đã chiếm tỷ lệ trên 90% người hiện diện. Nhưng kết quả của phiên họp kéo dài trên 6 tiếng đồng hồ, Hội Ðồng Thành Phố đã biểu quyết với tỷ lệ 8/3 để bác bỏ ý kiến đề nghị tên “Little Sàigòn” và chọn tên “Sàigòn Business District”. Cái tên đứng hạng chót trong bản thăm dò của thành phố.

7- Ngày 9-12-2007, phiên họp khoáng đại cộng đồng.

Trước quyết định nghịch lý của HĐTP hơn 2,000 đồng hương đã tham dự phiên họp khoáng đại cộng đồng do Ban Ðại Diện CÐVN/BC tổ chức tại Unified Event Center vào 2 giờ trưa ngày 9-12-2007. Phiên họp đã đưa ra những quyết định sau đây:

a- Ðặt tên ngày biểu tình mỗi tuần vào ngày thứ ba trước tòa Thị Chánh San Jose là ngày “Thứ Ba Đen”.

b- Ðòi hỏi thị trưởng và các nghị viên phải xin lỗi cộng đồng qua những lời tuyên bố khinh miệt cộng đồng VN.

c- Yêu cầu nghị viên Madison Nguyễn từ chức.

d- Nếu nghị viên Madison Nguyễn không từ chức, cộng đồng sẽ tiến hành thủ tục recall.

8- Ngày 4-12-2008 bắt đầu biểu tình thứ Ba Đen trước tòa Thị Chánh San Jose.

Ngày thứ ba 4-12-2008, cuộc biểu tình tự phát thứ Ba đen đầu tiên sau quyết định phản dân chủ của Hội Ðồng Thành Phố. Và sau đó là những ngày biểu tình thứ Ba liên tục bất kể thời tiết nắng ấm, mưa to hay lạnh giá. Trước sự việc này, bà Madison trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình VN của ông Nguyễn Mạnh rằng những người biểu tình là những kẻ rảnh rỗi, ăn ở không đi hạch sách bà ta. Và sau đó, bà đã nói với các sinh viên đại học UC David những người biểu tình là gánh xiệc.

9- Ngày 15-2-2008, chiến sĩ Lý Tống tuyệt thực.

Ðể hổ trợ cho cuộc tranh đấu tranh đòi dân chủ, lấy lại danh dự cộng đồng người hùng Lý Tống đã tuyệt thực trước Tòa Thị Chánh San Jose bắt đầu từ ngày 15-2-2008. Chiến sĩ Lý Tống đã trải qua 24 ngày tuyệt thực và những ngày sau đó đã quyết định tuyệt ẩm.

10- Ngày 2-3-2008, biểu dương khí thế cộng đồng VN.

Để hổ trợ cho cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa của CĐVN tại San Jose, trên 10 ngàn đồng hương tại quận hạt Santa Clara và những vùng lân cận như Oakland, San Francisco, Sacramento, Livermore, Modesto… và Nam Cali đã tham dự cuộc biểu tình trước tiền đình tòa Thị Chánh San Jose vào 12 giờ trưa ngày 2-3-2008.

Trong buổi biểu tình, ông Ðỗ Hùng, Phát Ngôn Viên PTCTSJĐDC cho biết bà Madison Nguyễn đã vi phạm luật Brown Act của tiểu bang để bác bỏ tên “Little Sàigòn” chọn tên “Saigon Business District”.

11- Ngày 4-3-2008, HĐTP dựa vào danh sách 92 chữ ký “ma” của Lê Văn Hướng để bác bỏ tên “Little Sàigòn”.

Trong phiên họp ngày 4-3-08 của HĐP, vào những phút cuối nghị viên Sam Licarrdo đã đưa ra danh sách 92 chữ ký do ông Lê Văn Hướng đệ trình để yêu cầu bác bỏ tên “Little Sàigòn” trong khi nghị viên Kansen Chu đề nghị dành thời gian cứu xét lại việc đặt tên.

12- Ngày 25-3-08, vì vi phạm Brown Act HĐTP hủy bỏ quyết định chọn tên “Saigon Business District”

Do sự tiết lộ của nghị viên Forrest William trên truyền hình VietTVonline và với danh sách 92 chữ ký “ma” của ông Lê Văn Hướng, Hội Ðồng Thành Phố lo ngại những hậu quả việc vi phạm luật Brown Act, đã biểu quyết hủy bỏ những quyết định của phiên họp 20-11-2007. Cũng để xoa dịu phản ứng từ phía CĐVN, ngày 13-3-2008, HĐTP đã ký một bản thỏa thuận và ngày 25-3-08, đã đưa ra quyết định chấp nhận cho cộng đồng Việt Nam được làm các banner và một cổng chào mang hàng chữ ‘Welcome to Little Sàigòn” trên đường Story tạm thời trong 3 năm, mọi chi phí cộng đồng gánh chịu. Chiến sĩ Lý Tống ngưng tuyệt thực vào nằm bịnh viện.

13- Ngày 18-5-08 Ủy Ban Bãi Nhiệm bà nghị viên Madison ra mắt đồng hương.

Theo quyết định của đại hội cộng đồng ngày 22-4-2008, UBBN đã nộp một “Notice of Intention Recall” lên thư ký thành phố kèm với danh sách 104 chữ ký tiên khởi của cử tri khu vực 7 để xin tiến hành thủ tục bãi nhiệm bà Madison. Sau đó ngày 18-5-08, UBBN đã chính thức ra mắt đồng hương nhân ngày PTCTSJ/ ĐDC tổ chức trước tiền đình City Hall “Ngày Chào Mừng Little Sài Gòn”..

14- Ngày 29/8/08, UBBN nộp đủ chữ ký bãi nhiệm theo luật định.

Sau gần 3 tháng vận động xin chữ ký, vào lúc 2 giờ chiều ngày 29/8/08, Ủy Ban Bãi Nhiệm đã đệ nạp 5.181 chữ ký của cử tri khu vực 7 lên văn phòng Thơ Ký thành phố. Đến 10 giờ 30 sáng ngày 14/10/08, Thư Ký thành phố mời Ủy Ban Bãi Nhiệm đến để trao văn thư xác nhận có 4,775 chữ ký hợp lệ. Con số này đã vượt trội gần 150% con số đòi hỏi theo luật là 3,162 chữ ký.

15- Ngày 21-10-2008, HĐTP công bố ngày bầu cử đặc biệt trong tiến trình “recall”

Trong phiên họp ngày 21-10-2008, Hội Ðồng Thành Phố San Jose đã long trọng công bố ngày tổ chức bầu cử bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn. Ngày bầu cử là ngày thứ Ba 3-3-2009.

16- Ngày 3/3/2009, bầu cử bãi nhiệm bà Madison và kết quả bãi nhiệm

Kết quả cuộc bầu cử bãi nhiệm bà nghị viên Madison ngày 3/3/09 như sau:

YES recall: chiếm tỷ lệ 44.61%

NO recall: chiếm tỷ lệ 55.39%

Với những tỷ lệ trên bà Madison thoát khỏi bãi nhiệm, được tại chức đến năm 2010 và đang ráo riết giở thủ đoạn để chuẩn bị tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 2.

Trong bài viết với tựa đề “Bãi Nhiệm Là Thực Thi Quyền Dân Chủ”, Luật sư Đỗ Văn Quang Minh đã nói: “Trong suốt thời gian thọ chức đầy gay go, Madison Nguyễn đã thường nhúng tay vào những việc phi pháp, lừa đảo, và gian dối mang lại cho Thành Phố và khối cử tri của cô thiệt hại và cái giá phải trả. Cô đã luôn có hành động bênh vực cho nhóm mua lợi…Madison Nguyễn đã vậy còn tấn tới đến nước vi phạm Đạo Luật Brown Act để đạt được mục đích riêng của mình. Sự vi phạm đó đã bị Nghị Viên Forrest Williams tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với người viết này. Ngay cả ông phó thị trưởng David Cortese và nghị viên Pete Constant khi được tờ báo San Jose Mercury News phỏng vấn cũng xác nhận là có sự phạm pháp đạo luật Brown Act (Đạo Luật của Chánh Phủ Tiểu Bang California Government Code §54950).

Một khi thông tin tổn hại đó (Madison phạm pháp đạo luật Brown Act) được tung ra công chúng, Madison Nguyễn và Thị Trưởng Reed đã trả đũa bằng cách vội vàng kêu họp báo và tuyên bố đề nghị của họ là đưa sự việc chọn tên ra để toàn dân thành phố bầu (San Jose có 1 triệu dân). Kế hoạch đó bị quật ngược khi Chánh Sự Thành Phố cho biết sẽ phải tốn $2.68 triệu (hơn năm lần chi phí tổ chức bầu cử bãi nhiệm). Họ Nguyễn và Reed, bị bắt quả tang, đã liền phải dẹp đề nghị đen tối của họ. Hiện giờ thành phố San Jose đang bị kiện bởi Cộng Đồng Việt Nam Bắc California tại Tòa Thượng Thẩm California Quận Hạt Santa Clara về vụ vi phạm đạo luật Brown Act này (Hồ Sơ Tòa Án Số #108CV107082)”.

Một khi nhân phẩm của bà Madison được tòa án thừa nhận tốt hay xấu, thì chắc chắn nhân phẩm này sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ cũa người Mỹ, người Mễ đã bỏ phiếu cho bà ngày 3/3/09 và những người người khác vì nó không nằm trong việc “trả thù” mà nói lên tư cách của người đại diện dân.

Trong ngày “Hội Ngộ Đoàn Kết” 13/3/09, được Ban Đại Diện Cộng Đồng tổ chức với hơn 2,000 người tham dự. Luật sư Đỗ văn Quang Minh cho biết bà Madison đã phải đến gặp luật sư đại diện cho Cộng đồng để trả lời những câu hỏi liên quan đến Brown Act. Những lời khai hữu thệ của bà Madison thuận lợi cho việc đeo đuổi vụ kiện. Từ đó chúng ta có thể tiên đoán triển vọng phần thắng nghiêng về phía nào.

Câu chuyện cầu thủ O.J Shampson giết người bằng chứng rõ ràng, nhờ có tiền nên trắng án. Chuyện này, tôi nhắc lại ở đây không có nghĩa là “có tiền mua tiên cũng được” khi sự vi phạm Brown Act của bà Madison đã quá rõ ràng, nhưng vì “ không tiền” để trả chi phí luật sư mà chúng ta buông xuôi thì thật là một điều đáng tiếc lẫn đáng buồn. Do đó, mỗi cá nhân nếu phải bỏ ra 100 đồng, 1,000 đồng có thể khó khăn, nhưng mỗi người một tháng nhịn một tô phở 5, 7 đồng chắc là điều không khó. Bài học về “tiền” trong việc bãi nhiệm bà Madison chúng ta đã thấy. Cho nên “một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Xin đồng bào, quí đồng hương hãy tích cực yễm trợ Quỹ Pháp Pháp Lý vụ kiện bà Madison vi phạm đạo luật Brown Act. Hãy đến tham dự buổi tiệc gây quỹ được Ban Đại Diện Cộng đồng tổ chức để nghe tường trình phần nào diễn biến vụ kiện. Hay cũng có thể gởi chi phiếu yểm trợ đề: VAC-NORCAL-LITTLESAIGON, Memo Quỹ Pháp Lý và gởi về địa chỉ: Ban Đại Diện Cộng Đồng VN/BCL, 2129 S. 10th. St., San Jose, CA 95112.

Cuối cùng, tôi tin tưởng ai cũng hiểu dù sống tha hương, nhưng có những điều chúng ta phải làm, nên làm, cần làm và quyết tâm làm mà không tránh né để bảo vệ danh dự cộng đồng - Một cộng đồng đã đóng góp nhiều công sức vào sự phồn vinh của thành phố, nên không thể chấp nhận bị chính quyền ngược đãi, hà hiếp.

* Đặng thiên Sơn
22/4/2009

---