Saturday, February 16, 2008

LITTLE SAIGON - NHỮNG BÀI HỌC HỮU ÍCH


Hình trên: Luật sư Đỗ Văn Quang Minh

LITTLE SAIGON - NHỮNG BÀI HỌC HỮU ÍCH

Nguyễn Tường Tâm

Sáng ngày 11 tháng 2, trên báo mạng San Jose Mercury News xuất hiện một bài làm bàng hoàng độc giả đang theo dõi vụ Little Saigon. Ít ai ngờ được Thị Trưởng Chuck Reed và Nghị Viên Madison lại có thể thay đổi thái độ 180 độ một cách đột ngột nhanh chóng, đồng ý cho biểu quyết lại tên gọi một khu phố thương mại đã gây tranh cãi ồn ào suốt ba tháng qua. Nguyên nhân khiến ông Thị Trưởng phải có hành động đó là một bài học sống động trong sinh hoạt chính trị dân chủ: Lý luận và pháp lý sẽ toàn thắng. Sự thành công của nhóm Little Saigon đáng được chúc mừng. Ngoài bài học vừa nêu, người ta cũng rút ra được khá nhiều bài học quí báu khác từ ưu cũng như khuyết điểm của nhóm Little Saigon và từ nghị viên Madison Nguyễn.

Trước tiên nhóm lãnh đạo của Little Saigon đã cho thấy sự khéo léo trong khả năng vận động và tổ chức. Việc thường xuyên vận động được đông đảo những người ủng hộ mình đến nơi tập trung là một điều không phải dễ dàng. Bởi vì từ việc ủng hộ quan điểm của mình tới việc rời nhà đến nơi tập trung còn một đoạn đường khá xa, với nhiều trở ngại: tâm trạng ngại ngùng, bận rộn sinh hoạt gia đình, sức khỏe, và thời tiết, v.v... Thế mà một buổi tối lạnh giá vẫn có gần ngàn người tới tham dự. Trong những cuộc tập trung kế tiếp vẫn đông đảo. Đặc biệt trong cuộc diễn hành Tết Mậu Tý tại downtown San Jose, những người ủng hộ nhóm này đã qui tụ đông đảo và biểu lộ ý chí một cách nhiệt tình; vừa cho thấy sức mạnh của nhóm, vừa cho thấy sức mạnh của Cộng đồng người Việt. Ngoài ra những cuộc tập trung tương đối có kỷ luật, trật tự.

Nhóm lãnh đạo cũng có thái độ và lời nói ôn tồn, lịch sự. Trong tiếp xúc riêng tư, người viết ghi nhận được mấy nhân vật trong nhóm lãnh đạo của "Little Saigon", kể cả ông bà Tiến sĩ Đỗ Hùng, luôn có thái độ đàng hoàng, lịch sự, chấp nhận tranh luận. Điểm gây ấn tượng là cả mấy vị đó đều đồng ý không chấp nhận bạo động. Cụ thể là sau cuộc tiếp xúc với người viết, để chuẩn bị cho cuộc tập trung đông đảo kế tiếp tại tiền đình Toà Thị Chính Tiến Sĩ Đỗ Hùng đã ra thông báo cho các tham dự viên, với những lời lẽ mạnh mẽ ngăn cấm bạo động.

Nhưng trên phương diện lý luận, giới lãnh đạo phong trào tỏ ra không sắc bén. Với đòi hỏi đầu tiên, danh xưng Little Saigon, nhóm lãnh đạo đã không đưa ra được luận cứ đủ thuyết phục người nghe là "Tại sao phải là Little Saigon mới là chống Cộng chứ danh xưng Saigon thôi không đủ." Khi phong trào chuyển sang mục tiêu rộng hơn , đòi hỏi dân chủ, với danh xưng của phong trào đổi thành "Cử Tri San Jose Tranh Đấu Cho Dân Chủ" (San Jose Voters For Democracy), giới lãnh đạo phong trào vẫn không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy không có dân chủ trong việc bầu cử tại Hội Đồng Thành Phố. Bình luận gia Bùi văn Phú trên tờ Việt Tribune đã viết,việc phong trào cho rằng phương thức bỏ phiếu tại Hội Đồng Thành Phố San Jose là độc tài tương tự như chế độ cộng sản chứng tỏ những người tham gia phong trào phục hồi dân chủ chưa hiểu thế nào là dân chủ. Cũng nhận xét tương tự, bài bình luận của tờ San Jose Mercury News ngày 10 tháng 2-2008 viết rằng, việc lên án cuộc bầu phiếu chọn tên ngày 20 tháng 11 không dân chủ là không có cơ sở rộng rãi (Until now, the claims have been largely off base).

Thiếu sót trong lập luận của giới lãnh đạo nhóm Little Saigon khiến họ không thành công trong bước đầu và những nghị viên bỏ phiếu trái ý họ không nao núng, mặc dù họ qui tụ được đa số quần chúng ủng hộ.

Nhưng sự kiên trì đã giúp nhóm Little Saigon cuối cùng thắng lợi, vì họ tìm ra một điểm yếu pháp lý của đối thủ: Nghị viên Madison Nguyễn có thể đã vi phạm đạo luật Brown Act qui định về nguyên tắc mở các cuộc thảo luận công khai. Tổ chức có tên "Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt Bắc California" đã nhờ luật sư James Chadwick, một luật sư có kinh nghiệm truyền thông, thường xuyên đại diện nhật báo San Jose Mercury News trong nhiều vấn đề, tìm ra bằng chứng cho thấy cuộc bỏ phiếu đặt tên ngày 20 tháng 11 có vi phạm đạo luật Brown Act của tiểu bang. Sau đó bài bình luận ngày 10 tháng 2 cũng của nhật báo trên cho biết tiếp, trong cuộc phỏng vấn thực hiện bởi Luật Sư Đỗ Văn Quang Minh trên đài truyền hình tiếng Việt tại địa phương, nghị viên Forrest Williams dù không khẳng định, nhưng cũng tạo cho công chúng có cảm tưởng rằng nghị viên Madison đã vi phạm đạo luật Brown Act của tiểu bang khi cô vận động các nghị viên khác trước cuộc bỏ phiếu chọn tên ngày 20 tháng 11. Sự kiện này tuy chưa rõ trắng đen và còn đang nằm trong vòng điều tra của biện lý thành phố là ông Rick Doyle (city Attorney) nhưng cũng làm thiệt hại tới cuộc bỏ phiếu ngày 20 tháng 11 vừa qua. Đó cũng là nhận định của Thị Trưởng Chuck Reed và khiến ông phải mau chóng thay đổi thái độ. Ông công nhận rằng "... cái vẻ không hợp lệ hiện nay làm hỏng cuộc bỏ phiếu trước kia của Hội Đồng Thành Phố. Cho nên không còn cách nào khác hơn là phải cho biểu quyết lại". (The appearance of impropriety now undermines the earlier council vote. There's no choice but to do it again).

Bao nhiêu áp lực không làm cho các nghị viên nao núng, nhưng khả năng thắng lợi pháp lý của nhóm Little Saigon đã mau chóng khuất phục ông Thị Trưởng và nghị viên Madison khiến hai vị này phải quyết định đưa vấn đề chấp nhận hay bác bỏ danh xưng Little Saigon vào chung với cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay. Nhưng thực tế hơn, trong cuộc họp báo ngày Thứ Hai, 11 tháng 2, Phó Thị Trưởng Dave Cortese, nghị viên lúc đầu ủng hộ đề nghị của cô Madison, đã kêu gọi Hội đồng biểu quyết lại vấn đề đặt tên chứ không đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng 11. Đề nghị của Phó thị trưởng sẽ giúp tránh khả năng tên gọi Little Saigon bị bác bỏ bởi những cư dân thuộc cộng đồng khác đã chán nản với cuộc tranh cãi kéo dài lê thê này và không đồng ý với việc chi tiền để vinh danh một cộng đồng sắc tộc riêng biệt. Đề nghị của ông Cortese có vẻ có lý và được những người ủng hộ danh xưng Little Saigon chấp thuận. Tiến sĩ Đỗ Hùng, phát ngôn viên của phong trào Little Saigon lúc đầu đã vui vẻ với đề nghị của Thị Trưởng Chuck Reed, nhưng nay ông cho hay ông thích ý kiến của Phó thị Trưởng Cortese hơn. Những email chuyển giao giữa các cá nhân trong cộng đồng người Việt cũng tỏ ra thích thú với ý kiến của Phó thị trưởng Cortese.

Cuộc tranh chấp càng kéo dài, Nghị viên Madison Nguyễn càng để lộ thái độ bất nhất, và không rõ ràng minh bạch. Ngày 15-8-2007, trong một cuộc họp tại Thư viện trên đường Tully , cô nói rằng việc đặt tên khu vực đang tranh cãi chỉ liên quan tới các cư dân trong khu vực đó thôi, cô nhấn mạnh chỉ liên quan tới những cư dân sinh sống và có cơ sở thương mại trong phạm vi một ngàn feet. Nay ông Thị Trưởng Reed và cô lại đề nghị đưa vấn đề ra trưng cầu dân ý trên toàn thành phố, nên trong cuộc họp báo hôm 11 tháng 2, Luật sư Nguyễn Tâm hỏi về câu tuyên bố trước kia thì cô nói là cô không tuyên bố như vậy.

Ngoài ra mọi người chỉ biết rõ sự không rõ ràng minh bạch của cô khi nghị viên Forrest Williams tiết lộ cô có vận động sự ủng hộ của ông một cách trái luật. Sự không minh bạch của cô lại thể hiện rõ trong cuộc họp báo hôm 11tháng 2-2008 khi nghị viên Dave Cortese xác nhận là ông ấy đã bị cô hướng dẫn sai lầm rằng cô được hậu thuẫn trong đề nghị đặt tên do cô đưa ra.

Sự bất nhất và không rõ ràng của cô có thể hiểu được khi thấy chính cô để lộ thái độ nhượng bộ Cộng Sản qua một câu tuyên bố trong cuộc họp báo vừa dẫn và được ký giả Joshua Molina của Mercury News tường thuật trong bài "Vote urged on 'Little Saigon'" ngày 12 tháng 2-2008. Theo bài báo đó, để biện minh cho việc không chấp nhận tên Little Saigon, cô đã nói rằng đa số thầm lặng chủ nhân các doanh nghiệp và các người khác trong khu vực không thích danh xưng Little Saigon vì danh xưng đó có hàm ý chống cộng (She said a silent majority of business owners and others in the district disliked the name, with its anti-communist connotation) Sự thú nhận này đã xóa sạch tất cả những ủng hộ lâu nay cộng đồng người Việt tị nạn dành cho cô.

Nếu tiếp tục làm dân cử hay làm công chức mà nhận sự hỗ trợ hay thi hành những chỉ thị của chính phủ nước ngoài là phạm tội hình đối với Hoa ky`. Dù không nhận sự hỗ trợ hay chỉ thị của chính phủ Cộng Sản Việt nam, mà chỉ cần có thái độ nhượng bộ Cộng Sản cũng đủ để Cộng Đồng Người Việt tị nạn xóa sổ cô như xóa sổ Trần Trường, kẻ treo hình Hồ Chí Minh trong cửa tiệm của anh ta dưới Nam Cali cách nay 10 năm.

Có lẽ cái hay nhất cho nghị viên Madison Nguyễn lúc này là từ nhiệm. Bởi vì như Tiến sĩ Đỗ Hùng đã nhận xét, trên báo Mercury News ngày 11/tháng 2/2008, cái hàng rào ngăn cách giữa cô và cộng đồng dường như không thể hàn gắn nổi. Như thế cho dù cố giữ địa vị đó thì cô cũng sẽ chẳng làm được gì cho cộng đồng cũng như cho riêng cô. Cộng đồng tị nạn sẽ tẩy chay cô và vận động cô-lập cô ngay cả với các nghị viên đồng viện của cô. Cân nhắc giữa cô và cộng đồng người Việt tị nạn, thì các đồng viện của cô chắc chắn cần cộng đồng người Việt hơn, vì cộng đồng người Việt sẽ đem phiếu tới cho họ.

Nếu chân thực, thì ít ra lúc này cô nên chứng tỏ sự ngay thẳng của mình bằng cách đề nghị một giải pháp khả thi nhất, ít tốn kém nhất, mau chóng nhất, và hợp nguyên tắc dân chủ nhất để một trong các tên gọi thể hiện tinh thần chống Cộng của cộng đồng được đưa ra biểu quyết.

Câu chuyện lúc đầu tưởng là chuyện dài tỉnh lẻ (soap opera) cuối cùng lại có kết thúc bất ngờ, ngoạn mục, đưa tới những hé lộ cực kỳ quan trọng là có ảnh hưởng của Cộng sản trong sinh hoạt của công đồng người Việt tại San Jose. Kết quả này giúp cho cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản rút được bài học cảnh giác hơn và biết cách tranh đấu bằng tranh luận và pháp lý hơn để đạt điều mình mong muốn.