Ứng cử viên gốc Việt - Mặt trận giữa Ta và CSVN
Kính thưa quý vị,
Là một phóng viên nghiệp dư của đài phát thanh sắc tộc 4EB ở Brisbane gần 20 năm nay, tôi vẫn chưa có cơ hội được phỏng vấn một ứng cử viên gốc Việt nào vào chính trường của Úc. Song, tôi vẫn thủ sẵn trong lòng một câu hỏi nếu có dịp phỏng vấn một ứng cử viên người Việt, và câu hỏi đó là:
- Trong trường hợp quyền lợi của đảng của ông / bà mâu thuẫn với quyền lợi chính trị của cộng đồng người Việt tị nạn CS, ông bà sẽ giải quyết theo hướng nào?
Tất nhiên, chúng ta đều hiểu, ai không nghe lời của Đảng thì sẽ không được Đảng ủng hộ, nhưng nếu bầu cho một ứng viên đồng hương, mà người này không tranh thủ quyền lợi cho chúng ta, chỉ tranh thủ quyền lợi cho đảng của họ, hoặc tranh thủ quyền lợi cho VC, thì người Việt tị nạn chúng ta có bầu chăng?
Thưa quý vị,
Tình đồng hương thật là quý báu, cho nên nếu có cơ hội chọn lựa giữa một ứng viên gốc Việt và một ứng viên không có gốc Việt, đương nhiên chúng ta sẽ ủng hộ người đồng hương, với điều kiện là cả hai ứng viên đều tranh thủ quyền lợi cho chúng ta tích cực và hiệu quả như nhau. Nhưng nếu ứng viên đồng hương của chúng ta lại không vì quyền lợi của chúng ta, mà đôi khi còn đi ngược lại nguyện vọng của chúng ta, thì ta bầu làm chi.
Trường hợp của Nghị Viên Madison Nguyễn ở San Jose là một điển hình.
Thưa quý vị,
Điểm khác biệt giữa chúng ta và những cử tri không có gốc Việt là vấn đề chính trị VN. Chúng ta và họ đều cần cơm no, áo ấm, tự do và tiện nghi, anh Tây anh Tàu nào, dù là cử tri hay ứng cử viên, cũng đều muốn địa phương của mình thịnh vượng. Nhưng chúng ta có thêm một nguyện vọng mà các anh Tây anh Tàu khác không có, đó là nguyện vọng chính trị, trên căn bản là không chấp nhận CSVN và chống những sự bành trướng của VC. Chúng ta đã mất VN, manh đất hải ngoại này là cứ địa cuối cùng, VC không thể nào xâm lấn nữa.
Nếu chúng ta mong mỏi có người đại diện tranh thủ cho quyền lợi của chúng ta, thì chắc chắn CSVN cũng đã dòm ngó đến việc này từ lâu. Lợi dụng lá phiếu VN cử tri đông ở một số vùng, VC cũng muốn có thêm tiếng nói của mình trong chính trường ở ngoại quốc.
Thử tưởng tượng một bạn trẻ thích giao lưu tiếp cận với "trong nước" mà lên nắm quyền nghị viên hay dân biểu thì ắt không bao lâu, văn công VN sẽ tràn ngập hải ngoại qua cao trào giao lưu. Các nhạc phẩm như Dậy Mà Đi (đưọc hát trong đại hội 5 của Mạng Lưới Tuổi Trẻ VN Lên Đường tại Mã Lai), Xuống Đường, Hát Cho Dân Tôi Nghe, thậm chí như Bác Đang Cùng Chúng Cháu Hành Quân (mà anh Lê Minh Tuấn, hậu duệ Thủ Đức, có nhắc đến), cũng có thể phóng vang khắp xóm.
Thưa quý vị,
Nếu tôi là VC, lo phần Việt Kiều Hải Ngoại, tôi chắc chắn sẽ cấy, hoặc mua cho bằng được các ông bà nghị viên, dân biểu gốc Việt ở hải ngoại. Điều này có lợi về chính trị, ngoại giao, lẫn kinh tế, sao lại không làm. Và có lẽ, VC "tiếp cận" với một chính trị gia gốc Việt dễ dàng hơn với một chính trị gia Mỹ hay Úc rất nhiều. Do đó, về phía ta, việc có bầu cho một ứng cử viên gốc Việt hay không không chỉ là một quyết định dựa trên bản sắc dân tộc, không chỉ dựa trên đường lối phục vụ của các chính đảng của Úc hay Mỹ, mà cần cân nhắc mặt trận giữa ta và VC.
Cho nên, kính thưa quý vị, ta không cần quá bận tâm về việc ứng viên có lo cho cơm áo, đời sống của chúng ta hay không, bởi vì cử tri người bản xứ sẽ chú mục vấn đề này. Ông bà nghị viên dân biểu của bất cứ sắc dân nào cũng phải lo cho tốt việc ấm no. Ta chỉ chú ý thái độ chính trị của ứng viên ấy đối với VC, đối với nguyện vọng chính trị của chúng ta. Cuộc dằn co chính không nằm ở vấn đề sắc tộc, mà đây là mặt trận giữa người Việt tị nạn CS và CSVN.
Nếu ai bảo tôi quá nhạy cảm, nhìn đâu cũng thấy VC, tôi sẽ trả lời: "Thấy mà còn thua, hì hì, huống hồ không thấy".
Kính,
Hoàng Nguyên
4EB Brisbane
hoang4eb@yahoo.com.au