Monday, February 23, 2009

Hãy bầu lá phiếu chống siêu độc tài, áp bức và kỳ thị


Thứ Hai, ngày 23 tháng 2 năm 2009
Hãy bầu lá phiếu chống siêu độc tài, áp bức và kỳ thị --
Hậu bầu cử 3 tháng 3 • TS Lê Hữu Phú

Hãy bầu lá phiếu chống siêu độc tài, áp bức và kỳ thị --
Hậu bầu cử 3 tháng 3


• TS Lê Hữu Phú

San Jose ngày 22 tháng 2 năm 2009 --- Cuộc bầu cử đặc biệt ngày 3 tháng 3 sắp tới đang gây sự chú ý của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Ngay chính cá nhân chúng tôi có những bạn bè ở Âu Châu qua email họ cho biết đã theo dõi diễn biến vụ tranh đấu Little Saigon trong suốt hơn năm qua cũng như cuộc bầu cử bãi nhiệm NV Madison trong mấy tháng gần đây. Nhiều người nghĩ rằng cộng đồng người Việt tại San Jose đã không được chính quyền điạ phương đối xử công bằng. Vì vậy lá phiếu của cử tri khu vực 7 -- đặc biệt là của cử tri gốc Việt — có tầm quan trọng như lá phiếu chống lại sự đối xử siêu độc tài, áp bức và kỳ thị của chính quyền thành phố San Jose với cộng đồng Việt Nam.

Để chứng tỏ điều này, chúng tôi xin mượn lời phát biểu của cựu Phó Thị trưởng San Jose và nay là Giám sát viên quận hạt Santa Clara, Dave Cortese, từng viết trên báo Mercury News rằng Hội đồng Thành phố San Jose đã làm một quyết định độc tài khi chọn tên "Saigon Business District" thay vì "Little Saigon" như đại đa số cư dân Việt mong muốn. Ông cho rằng trong buổi điều trần lần đầu ngày 20 tháng 11 năm 2007, ông đã bị hướng dẫn sai lạc bởi nghị viên Madison. Ông Cortese phát biểu trong buổi điều trần lần thứ nhì--ngày 4 tháng 3 năm 2008--rằng khi ông tham dự ngày diễn hành của cộng đồng Việt tại downtown, ông đã chứng kiến sự việc hàng chục ngàn người Việt đều đồng một lòng ủng hộ tên "Little Saigon." Vì vậy mà ông thay đổi ý kiến và yêu cầu Hội đồng Thành phố phải có trách nhiệm về đạo đức (moral obligation) trong việc chấp nhận danh xưng này. Cũng do đó mà cử tri Việt, chiếm tới 20% trong đơn vị 3 của quân hạt đã ủng hộ ông thắng cử vẻ vang vào chức vụ GSV vừa qua. Và ông không chối bỏ điều này như Thị trưởng Chuck Reed sau khi thắng cử tuy nhờ phiếu người Việt đã nói với tờ báo thân cộng Viet Weekly là ông thắng không do sự ủng hộ của cử tri Việt. Vì vậy chúng ta cũng không ngạc nhiên với thái độ phản bội cộng đồng Việt của ông Thị trưởng "ăn cháo đá bát này!

Trong một dịp tiếp xúc cá nhân giữa tôi và ông Cortese, ông đã thố lộ rằng ông có khuyên ông Reed nên quay trở lại với cộng đồng Việt nhưng ông ta vẫn một mực nhất quyết không thay đổi. Điều trớ trêu là trong cuộc tranh cử thị trưởng đại đa số cộng đồng Việt đã dồn phiếu cho ông Reed thay vì ông Cortese. Một người bình thường không thể hiểu được tại sao cả NV Madison và TT Reed đều quay lại ức hiếp cộng đồng đã mang họ vào các chức vụ đó. Chắc chắn phải có những gì bí ẩn đã đưa họ vào trong thế "môi hở răng lạnh."; rõ ràng nhất là hành động dầm mưa lội bộ đi gõ cửa các nhà cử tri khu vực 7 để xin phiếu cho bà Madison trong thời gian vừa qua của ông Reed. Lẽ dĩ nhiên nếu không có sự hỗ trợ hoàn toàn của TT Reed, bà Madison đã không thực hiện được những việc bà đã làm chống lại cộng đồng Việt. Thông thường các vị dân cử luôn cố gắng thoả mãn những điều mong muốn của cử tri đã ủng hộ họ để họ còn được tái trúng cử hoặc có tương lai chính trị xa hơn nữa nên trong trường hợp này những người thắc mắc muốn tìm hiểu nguyên nhân có khuynh hướng nghĩ đến các thế lực tài phiệt đã từng lũng đoạn nhiều chính trị gia khiến họ hành động sai trái trong quá khứ trên đất nước này như là một lối giải thích trong trường hợp họ không tìm ra sự giải đáp thích ứng cho sự thắc mắc của họ.

Chế độ dân chủ pháp trị của Hoa Kỳ vẫn còn nhiều kẻ hở cho các vị dân cử lợi dụng chức vụ làm những điều xấu trái với lòng dân. Điều khác biệt với các xứ độc tài là người dân có cơ hội thu hồi chức vụ của họ sau khi họ mãn nhiệm kỳ. Trong trường hợp đặc biệt, luật pháp Hoa Kỳ cũng cho phép người dân lôi kéo họ xuống trước khi nhiệm kỳ chấm dứt. Cử tri khu vực 7 đã thi hành đúng luật lệ cho phép. Tất cả lý do tại sao phải bãi nhiệm NV Madison đã được dư luận đề cập đến qúa nhiều, kể cả một số bài viết của cá nhân tôi. Thay vì nên chọn một vị thế trung lập để cho cử tri khu vực 7 tự quyết định việc NV Madison phải rời chức vụ sớm trước thời gian hạn định hay không, TT Reed đã dùng tất cả quyền lực và ảnh hưởng của mình để bênh vực và vận động cho cho bà ấy khỏi bị sớm bãi nhiệm.

Cộng đồng người Việt đã tranh đấu rất ôn hòa cho dân quyền của họ không bị chà đạp trong suốt những năm tháng qua. Cộng đồng chúng ta rất thượng tôn pháp luật. Trong khi hàng ngàn người tham dự các buổi điều trần để nói lên nguyện vọng của mình đến đổi phá kỷ lục đông đảo gấp mấy lần những buổi điều trần đã xảy ra trong lịch sử thành phố thế mà TT Reed dám bảo chúng ta là thiểu số hung hăng, to mồm! Trong khi đó sự thật là TT Reed đã ức hiếp cộng đồng người Việt vì chúng ta là những người "thấp cổ bé miệng." Không rõ TT Reed có thái độ thế nào đối với các cộng đồng khác thí dụ như cộng đồng người da đen không, chứ khi thành phố đối xử với họ như vậy có thể những sự cố to lớn hơn đã xảy ra tại tòa Thị chính ngay sau các buổi điều trần tại tòa thị chính rồi. Cộng đồng người da đen tuy chỉ gồm 13% dân số của Hoa Kỳ, nhưng qua các tiến trình tranh đấu khi mềm dẻo, khi "rất cứng rắn," họ đã đạt được tất cả nhân quyền và dân quyền họ từng mong mỏi và Hoa Kỳ mới đây đã làm lịch sử khi bầu vị Tổng thống da đen đầu tiên. Các chính trị gia đều biết họ khó có thể ức hiếp cộng đồng người da đen.

Cộng đồng người Việt tị nạn chọn đến định cư tại Hoa Kỳ để tìm tự do tránh nạn độc tài cũng như đối xử dã man của cộng sản Việt Nam chứ không phải vì miếng cơm, manh áo.Vì vậy chỉ có một thiểu số nhỏ lập luận rằng, cộng đồng chúng ta không nên chống đối chính quyền địa phương thì mới được họ cho quyền lợi. Những kẻ theo đuôi chính quyền mặc dù họ làm những việc sai trái hoặc những kẻ bênh vực bà Madison vì lợi nhuận đã từ bỏ qúa khứ cơ bản của cộng đồng người Việt tị nạn là chọn dân chủ thay vì cơm ăn. chọn dân quyền hơn là áo mặc. Cộng đồng chúng ta nhất định không lùi bước trước bất cứ thế lực đen tối nào nhằm bịt miệng tiếng nói cho dân chủ và dân quyền của cộng đồng chúng ta. Ông cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Tip O'Neil đã phát biểu rằng tất cả những gì xảy ra về phương diện chính trị đều do từ điạ phương (all politics are local), vì vậy các thế lực độc tài, áp bức và kỳ thị cộng đồng Việt không thể tồn tại lâu dài tại một thành phố có đến 10% cử tri gốcViệt (con số này tiếp tục gia tăng với mức độ người Việt vào quốc tịch Hoa Kỳ đang tăng nhanh).

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng bà Madison sẽ bị bãi nhiệm trong cuộc bầu cử lịch sử ngày 3 tháng 3. Tuy nhiên tôi cũng nghĩ tới trường hợp xảy ra với kết qủa rất sít sao là không đủ số phiếu bãi nhiệm bà Madison thì chúng ta nên làm những điều gì sau đó, vì tuy chúng ta có chính nghiã nhưng cuộc bầu cử bãi nhiệm này phải đối đầu với cả một thế lực to lớn của thành phố như LS Đỗ Văn Quang Minh từng so sánh là trận chiến giưã cậu bé chăn cừu David và tên lính khổng lồ Goliath theo như một sự tích trong Thánh kinh. Một số người cho rằng nếu chúng ta thua trong vụ bãi nhiệm thì sức mạnh chính trị công đồng sẽ bị suy yếu. Theo tôi sức mạnh chính trị cộng đồng không mảy manh suy chuyển. Khối đông đảo cử tri đông đảo gốc Việt vẫn còn đó và mỗi ngày mỗi tăng. Nếu lần này chúng ta chưa kéo được bà Madison xuống thì cơ hội sắp đến cũng chỉ còn chưa đến một năm đã có cuộc bầu cử sơ bộ chọn nghi viên mới. Lần này cộng đồng chúng ta sẽ có cơ hội xử dụng lá phiếu lật đổ cả cặp bài trùng Madison-Reed tiện luôn một thể!

Dù thắng hay thua trong cuộc bầu cử bãi nhiệm, công tác trước mắt cộng đồng phải làm là quay lại đặt trọng tâm vào việc dứt điểm vụ kiện thành phố vi phạm đạo luật Brown Act. Vụ án này đã được tòa thượng thẩm quận hạt cho tiến hành xét xử mặc dù thành phố xin tòa bãi nại vì luật sư cộng đồng đã trưng bằng cớ vững chắc. Ngay sau cuộc bầu cử 3 tháng 3, các nghị viên Williams và Madison phải đến văn phòng luật sư đại diện cộng đồng để khai cung hữu thệ và phiên xử sẽ xảy ra sau đó. Lúc đầu thành phố đồng ý cho bà Madison khai cung vào đầu tháng 3 nhưng sợ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử bãi nhiệm nên đã dời lại trễ hơn. Thắng lợi trong vụ kiện này sẽ chứng tỏ thành phố vi phạm luật pháp và đem lại danh dự cho cộng đồng người Việt. Ngoài ra tai tiếng sẽ ảnh hưởng đến việc tái thắng cử của TT Reed vào năm tới. Trường hợp bà Madison bị bãi nhiệm trước nhiệm kỳ, TT Reed đã quyết định tổ chức bầu cử để chọn người thay thế. Cộng đồng chúng ta phải rút tiả bài học trong cuộc tranh cử nghị viên ở khu vực 8 là phải ủng hộ một ứng cử viên duy nhất mà thôi. Sở dĩ TT Reed chọn giải pháp bầu cử thay vì bổ nhiệm để tiết kiệm công qũy là với dụng ý cho phép bà Madison có quyền tranh cử lại trong tháng 6 hay tháng 7 sắp tới. Nếu cộng đồng chia phiếu, chuyện có thể xảy ra là bà Madison không chừng lại thắng cử trở lại! Đây là một điều trớ trêu mà cộng đồng Việt Nam không thể để xảy ra vì như tôi đã trình bày bà Madison vẫn còn sự ủng hộ rất đắc lực của chính quyền San Jose, nghiệp đoàn vùng Nam Vịnh, và cả một thế lực tài phiệt rất mạnh mẽ.

Ứng cử viên Chuck Reed từng chỉ trích vị Thị trưởng tiền nhiệm ông Ron Gonzales nhũng lạm và trong khi tranh cử ông hứa sẽ làm trong sáng chính quyền cũng như trong ngày nhậm chức ông đã từng tuyên bố sẽ không nói láo, không gian xảo (no lying, no cheating), thế mà sau khi nhậm chức chỉ có ít tuần lễ ông đã hành động mờ ám khi ông dùng ông Vic Adjouny làm cố vấn toàn thời gian cho Ban tranh cử của bà Hon Liên vừa đồng thời là cố vấn Thị trưởng được trả lương từ ngân qũy thành phố. Báo Mercury News đã chỉ trích ông Reed đã tạo một làn ranh mờ ảo (blur line) và ông Reed không thể chứng minh bao nhiêu thời gian ông Ajlouny làm cố vấn ăn lương thành phố cho ông Reed và bao nhiêu thời gian ông này dùng vào việc tranh cử cho bà Hon. TT Reed qủa thật là một chính trị gia xảo quyệt và đã chứng tỏ ngay từ đầu ông ta không khác gì ông Gonzales. Cộng đồng dòng chính cũng đã nhìn ra vấn đề TT Reed hứa cho nhiều những chẳng làm được gì bao nhiêu. Hầu như từ khi nhậm chức cho đến nay, ông để rất nhiều thời giờ chống lại cộng đồng người Việt từ vụ bà Hon, qua đến Little Saigon và nay là bà Madison. Cố vấn Vic Ajlouny từng tuyến bố ông chưa bao giờ thua trong một cuộc tranh cử nào ở khu vực 4 nhưng cộng đồng Việt đã cho ông một bài học đích đáng qua vụ bà Hon.

Với tình trạng khó khăn của thành phố đã có ngân sách thâm thủng hơn 60 triệu và sự thiếu hụt đang trên đà tăng mạnh dưới sự lãnh đạo của TT Reed và với kết qủa qúa ít ỏi ông đạt được, ông Reed khó thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử năm tới mà vòng bầu sơ bộ sẽ xảy ra vào đầu năm 2010. Nhất định cộng đồng Việt cũng sẽ đóng góp với các cộng đồng khác trong việc biến ông Reed thành "Thị trưởng một nhiệm kỳ." Cộng đồng Việt Nam không thể chấp nhận một Thị trưởng của một thành phố thuộc hạng đa chủng nhất tại Hoa Kỳ mà có thái độ bất công, áp bức và kỳ thị đối với một sắc dân thiểu số. Những lá phiếu người Việt đã đưa ông Reed vào chức vụ Thị trưởng thì những lá phiếu này cũng có thể đưa ông rời khỏi chức vụ đó.

http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090223_01.htm

---