Saturday, September 13, 2008

NGHĨA ÐỊA VOI

NGHĨA ÐỊA VOI

Hoa-Hoàng-Lan

Ði làm về đã lâu, tắm xong, nhưng Tuấn chưa thấy Trâm sửa soạn bữa cơm chiều. Chàng lẳng lặng ra vườn, kéo ống nước, tưới cây sau vườn để chờ Trâm. Xong việc, chàng nhẩn nha vào nhà. Vẫn im lặng. Trâm vẫn chăm chú trước màn hình của Ti-Vi Việt Nam Daily đang chiếu những hình ảnh thời sự sôi động. Nồi cơm điện đang phả hơi, mùi thơm gạo mới kích thích cơn đói của Tuấn. Chàng buột miệng hỏi:

“Cơm nước gì chưa em?”

“Chờ em một chút nữa nghe anh. Bài diễn văn của bà ứng viên Phó Tổng Thống Sarah Palin đặc sắc quá. Ông Mc Cain đưa bà này ra, hay thật.”

Tuấn thở dài, Kiểu này thì còn lâu mới ăn cơm. Chàng vừa định quay vào phòng, tìm cuốn truyện tối qua đọc tiếp trong khi chờ đợi. Chàng có tật xấu là làm gì thì làm, cũng phải có hột cơm dằn bụng. Ăn gì thì ăn, nhưng đến bữa phải có chén cơm. Nhưng thấy dáng điệu của Tuấn, Trâm lật đật rời máy, đứng dậy:

“Ðể em dọn cơm đây. Lát nữa, em xem tiếp cũng được.”

Tuấn yên tâm:

“Em có cần anh phụ không?”

“Khỏi cần. Xong hết cả rồi. Chỉ dọn ra thôi.”

Trong khi làm việc, ý nghĩ vẫn không rời những hình ảnh thời sự vừa xem, nên Trâm tiếp tục:

“Anh à, trang web của chị Quỳnh Thi vừa chiếu lại cảnh đoàn xe cắm cờ Mỹ và Việt của đồng hương bãi nhiệm đi một đoàn dài quanh khu vực 7 để chào mừng con số 5,181 chữ ký đó. Vui quá xá là vui!”

“Anh không biết có chuyện đi diễn hành này. Nếu biết, anh cũng xách xe chở em đi cho đông.”

“Mình có tham gia vào việc tranh đấu cho tên gọi Little Saigon, mới thấy tinh thần của đồng hương mình cao. Tội nghiệp biết bao công sức của biết bao nhiêu người già trẻ lớn bé anh há?”

“Ừ. Ðáng ca ngợi thật. Tinh thần của đồng hương mình cao, ý thức tôn trọng luật pháp cũng cao, cho thấy dân trí mình đã hấp thụ được cách cư xử văn minh của xứ sở đang sống. Cứ như cách làm việc xưa cũ của mình thì vô số chuyện sẽ xẩy ra...”

“Nhất là cái chuyện ông Thomas Nguyễn bị gây sự ở bàn ký tên trước tiệm Thanh 39. Tụi xấu giở thói côn đồ. May sao ông Thomas Nguyễn kiềm chế được, nên không, sẽ có chuyện đáng tiếc xẩy ra.”

Loáng một cái, bàn cơm đã được dọn ra với những đĩa thức ăn đang bốc khói thơm ngào ngạt. Tự nhiên Tuấn không thấy thèm ăn nữa. Có lẽ bao tử của chàng đã qua cơn đói. Chàng vừa thong thả ăn, vừa nghe Trâm tiếp tục câu chuyện mà chàng biết Trâm đang rất hào hứng muốn cùng chàng trao đổi.

“Anh thấy trong vụ Little Saigon này, với 5,181 chữ ký đã đệ nạp, đồng hương mình đã qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai chưa? Ông thị trưởng với hội đồng thành phố cùng bọn xấu có tung đòn phép gì nữa không?”

“Với những kẻ gian manh, thủ đoạn, thì khó đoán được những gì sẽ xẩy ra. Tuy nhiên, trong hòa bình vẫn chuẩn bị chiến tranh. Trường Võ Khoa Thủ Ðức của thời trước đã có câu khẩu hiệu “Cư An Tư Nguy”, tức là sống an bình, những vẫn phải nghĩ đến những hiểm nguy đang rình rập.”

“Anh thấy đó. Trải qua biết bao nhiêu sóng gió, gập ghềnh, khúc khuỷu, căng thẳng và hy vọng rồi tuyệt vọng. Nhất là cái đêm 20 tháng 11 năm 2007 ấy nhỉ? Thời tiết mùa đông thật lạnh, đoàn người đông như kiến bò theo dẫy hành lang để lên lầu họp. Theo thứ tự hàng một, một số ít người vào được trong phòng. Số còn lại rất đông phải trở xuống dưới lầu để theo dõi cuộc họp qua truyền hình. Kết quả đêm đó “quân ta bị quân địch chơi xấu”, giở trò đàn áp, xử ép nên đại bại. Phía thiểu số đối phương lấy thịt đè người, ỷ thế lực chính quyền, ức hiếp dân đen. Tức nước vỡ bờ. Từ đó mới có biểu tình thứ Ba Ðen, có Lý Tống tuyệt thực, có phía bên xấu kết hợp nhau để điên cuồng chống lại cái tên Little Saigon, để cứu vãn sự nghiệp của bà nghị trẻ kia. Nhưng rồi sự gắn bó của 10,000 đồng hương trong ngày 2 tháng 3 năm 2008, để rồi chúng ta lại thua đậm ở ngày họp 4 tháng 3 sau đó. Ðến đây thì việc tuyệt thực của Lý Tống đã có tác dụng. Thị trưởng, nghị viên can thiệp đầy tính toán, mưu mô và thủ đoạn, để cho chúng ta một cái rẻo của Little Saigon: xin đặt tên cho cả một dẫy phố, mà chính quyền cho mấy cái cổng chào treo cho con nít chơi!”

“Ðến đây thì anh biết rồi.” Tuấn vừa xới thêm cơm vừa ngắt lời cô vợ trẻ, nhưng Trâm vẫn chống đũa, say sưa nói:

”Em không muốn kể lại cho anh nghe những chuyện cũ, vì anh biết rồi. Nhưng em muốn nhấn mạnh với anh rằng đồng hương ủng hộ cái tên Little Saigon đã từng bị trù dập, bị hãm hại, bị lọc lừa, bị vùi dập, theo chữ dùng của phía xấu đó bao phen rồi. Từ những “bị” đó, chúng ta đã vươn lên, đã trưởng thành, đã khôn ra, đã rút tỉa những bài học từ những thủ đoạn của họ. Nhưng tiếc rằng không phải bài học nào cũng giống bài học nào, cho nên những cú thoi, những cái đấm vẫn được phía bà nghị viên tung vào đồng hương đông đảo nhưng yếu thế của chúng ta. Tuy tối tăm mặt mũi, nhưng chúng ta vẫn tỉnh táo để nhìn kỹ danh tính và điểm mặt gian ác của họ. Ðó là những kẻ ỷ thế lực chính quyền, ỷ những đồng tiền được bơm từ nhiều nguồn khác nhau, ỷ luật lệ do họ có trong tay để vo tròn bóp méo một thực thể dân chúng đã từng đưa họ vào nghị trường. Từ ông thị trưởng khăn đóng áo dài, bập bẹ vài tiếng Việt “chuc mưng năm mơi” và “kinh chao quy vị” để mua chuộc cảm tình của một số đồng hương dễ xúc động với những gì thuộc về quê hương mình. Từ bà nghị viên có nhiều nhãn hiệu như “trẻ tuổi”, “tiếng Mỹ lưu loát”, “xuất thân con nhà lao động nghèo” và “sẽ tranh đấu cho thành phần dân nghèo” vân vân và vân vân.”

“Nhưng thật bất ngờ phải không em? Ông thị trưởng sau đó đã ngày đêm được sự giáo dục kỹ lưỡng và uốn nắn chăm chỉ của bà nghị trẻ kia, nên ông đã mau chóng bập bẹ thêm câu: “Dẹp hết quý vị chống Cộng đi, để đón rước Cộng sản qua Việt Nam Town !” Ðểu thật!”

“Ðấy, cái họa của đồng hương mình là đấy. Từ ông thị, bà nghị này, mới đẻ ra những từ ngữ kinh hồn như “cái tên Little Saigon mang âm hưởng chống Cộng quá”, “đám đông đồng hương kia chỉ là những thiểu số to mồm”, “thất nghiệp”, “vô công rỗi nghề, già nua, ăn bám xã hội” và hành động “như những đám xiếc”! Ðó là chưa kể đến những râu ria, bộ hạ bám quanh hai người này để kiếm ăn, kiếm danh, kiếm lợi.”

“Một người thân đã nói với anh rằng: “Tội nghiệp đồng hương mình quá! Chỉ được cái đông người, nhưng yếu kém đủ thứ. Phía kia... có nguồn tài chánh dồi dào của Nghị Quyết 36 và tài phiệt bơm nhé. Mình thì không. Phía kia... làm việc toàn thời gian và được trả lương nhé. Mình thì dùng thì giờ ít ỏi của cá nhân và không có ngân quỹ, nên đôi khi phải xài tiền túi cho công việc chung. Phía kia... “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, còn mình thì gạo và tiền đều zéro. Chỉ có tấm lòng chung thủy với chính nghĩa ngời sáng.”

“Nhưng như anh thấy đó. Họ bỏ tiền ra thuê mướn thật nhiều, nhưng cuối cùng phải chơi trò gian qua 92 danh sách, đa số là danh sách... cuội! Vụ chiếc phôn tay hù dọa là chuyện... ma! Ðó là chưa kể đến tên ký giả gia nô làm đủ mọi cách gian manh, cuối cùng chỉ gom được con số vài trăm tên “thật ít & giả nhiều” trong cái danh sách “Chúng Tôi Lên Tiếng” với tên gọi là “Our Voice” mà đồng hương đã gọi là cái “Ao Voi” để cho lũ voi tàn lội xuống tắm táp, rửa ráy trước khi đi về Nghĩa Ðịa... Voi, vì nghe nói loài voi trước khi chết, chúng biết trước, nên đã kịp về một nơi gọi là Nghĩa Ðịa để gởi nắm xương ở đấy cho kên kên, quạ rỉa rói phải không anh?”

Như bị lôi cuốn bởi nhiệt tâm của Trâm, nên Tuấn bỗng hăng say:

“Hình như đã có một cuốn phim nói về chuyện Nghĩa Ðịa Voi rồi. Nhưng đám voi của Ao Voi này không đủ linh tính để kịp về Nghĩa Ðịa Voi em ạ! Chúng sẽ trúng thương và chết lần mòn trên đường di chuyển bởi những mũi tên Brown Act, mũi tên 5,181 chữ ký, mũi tên 2,8 triệu trao cho tướng cướp, mũi tên phung phí 100,000 tiền thuế của dân cho ma Tăng, rồi mũi tên biến cái Vietnam Town thành mảnh đất hoang vu, điêu tàn ngay giữa thành phố. Nhưng độc nhất vẫn là mũi tên RECALL. Chính mũi tên Recall sẽ là phát súng ân huệ đưa chúng đi vào cõi chết một cách mau chóng. Nhưng lòng đầy đau đớn, trí óc điên cuồng, uất hận nên mắt chúng sẽ mở trừng trừng, không thể nào nhắm lại được.”

“Anh thấy không? Tội nghiệp đồng hương mình khi nào cũng là nạn nhân của đám cường hào ác bá chửi trên đầu trên cổ dân, ngồi tít mãi trên tòa nhà cao 18 tầng kia. Phải lôi con nhỏ đó xuống. Phải kéo nó xuống. Phải trả nó về lại chỗ cũ của nó, nơi xuất thân của nó tại thành phố Fresno kia mới là công bằng.”

“Ông thị trưởng cắc cớ làm sao lại giao cho bà ta làm công việc bài trừ băng đảng ở khu vực 7, để rồi nơi đây tội phạm càng ngày càng hoành hành, đến nỗi cảnh sát phải la làng cảnh báo dân chúng coi chừng giựt bóp, coi chừng cướp giật ở ngay khu vực 7, điạ hạt của bà nghị. Khôi hài thật!”

“Ðoạn đường cam go mà đồng hương Little Saigon đã đi qua biết bao vinh nhục, biết bao thua thiệt, biết bao đàn áp, đè ép của chính Hội Ðồng Thành Phố. Nếu không có sự giúp đỡ đắc lực, vô giới hạn, không tiếc công, không nề hà tốn kém tiền bạc và ảnh hưởng đến việc làm ăn, của những Mạnh Thường Quân như chủ nhân của Thanh 39 hy sinh cả khoảng sân rộng phía trước cửa tiệm để Ủy Ban Bãi Nhiệm với Thomas Nguyễn “đăng cai” căng lều, cùng với rất đông các anh chị em trong Ủy Ban để đón tiếp cư dân đến ký tên Recall. Ðến anh Quang, quản lý khu thương mãi Paloma Shopping Center đang phát triển ở góc đường King và Capitol cho đặt bàn ký tên bãi nhiệm rất bề thế. Rồi anh Nhân, chủ nhân phòng thuế ở đường King gần Tully đã cho đặt bàn ký tên bãi nhiệm và mở nguyên một party tưng bừng đón mừng con số 5,181 chữ ký đã đệ nạp cho Văn Phòng Thư Ký Thành Phố. Tư gia của anh Bền, văn phòng bảo hiểm ở đường Lucretia, nơi người trẻ Lê Lộc “trụ trì” để tiếp đón cử tri ký tên bãi nhiệm.”

Như sợ Trâm quên những cơ quan truyền thông quan trọng trong cuộc, nên Tuấn vội vã:

“Tờ báo Việt Nam Daily của anh chị Nguyễn Thiện Căn & Quỳnh Thi đã trở thành tiếng nói chính thức của cuộc tranh đấu Little Saigon vì ngày đêm, anh chị đã có mặt tại những điểm nóng của “Little Saigon” quay phim, chụp hình, viết bài tường thuật và lên hình ảnh từng giờ từng phút để các nơi có thể theo dõi tình hình với mọi biến động tốt xấu trong nội vụ. Cùng với tờ báo Tiếng Dân với những bài bình luận và ký sự sâu sắc, đanh thép, tờ SaigonUSA của Luật Sư Tâm đã là những khẩu thần công nhắm thẳng đối phương mà nã những trận mưa pháo lý luận. Bên cạnh đó còn có sự giúp đỡ đắc lực và nhanh chóng của đài phát thanh Huỳnh Hớn & Hạ Vân loan báo những thông báo, những cuộc họp, những lần biểu tình, nhờ đó đồng hương các nơi đều biết để nức lòng tham gia.”

“Xin vinh danh những đóng góp chân thành và vô vị lợi của tất cả cơ quan, đoàn thể đã tham gia từ phút đầu và những người trẻ có mặt như Thomas Nguyễn, Lê Lộc, Hồ Vũ, Lưu Phương, Mỹ Phương, Bảo Ánh, Deley Nguyễn, v.v... cũng như các cô bác cao niên ẩn danh, miệt mài đi lấy chữ ký không biết mệt mỏi, đôi khi còn bị phía bên kia hành xử một cách vô văn hóa và thiếu lịch sự. Nhưng em cũng nhân đây muốn lên án những kẻ hèn nhát, vong ân bội nghĩa khi chối bỏ nghĩa vụ với cộng đồng để viện cớ rằng “không thích chính trị”! Khi Cao Ủy Tỵ Nạn hay phái đoàn phỏng vấn HO xếp loại họ là “tỵ nạn chính trị” hay “tỵ nạn kinh tế”, tất cả đã mong ước được xác nhận là “tỵ nạn chính trị” để đủ điều kiện định cư tại Mỹ. Tại sao bây giờ họ lại thay đổi lập trường khi cộng đồng cần sự đóng góp công sức của họ để chống bất công và phản dân chủ ở địa phương này?”

“Ðừng nói đến những chuyện tiêu cực ấy nữa. Hãy nói đến những mặt tích cực của vấn đề. Nhìn hình ảnh Ủy Ban Bãi Nhiệm với chiếc va ly to đựng danh sách chữ ký nộp cho bà Thư Ký Thành Phố, anh cứ tưởng đang xem một khúc phim “Mission Impossible” chứ.”

“Mấy anh chàng trong Ủy Ban Bãi Nhiệm to con vạm vỡ trong bộ “vét” đen đứng vây quanh va ly tài liệu như trong phim gián điệp thật sự. Thấy “đã” mắt thật! Coi khúc video này, em thấy bà Thư Ký Thành Phố Lee Price tiếp Ủy Ban Bãi Nhiệm và huy động nhân viên của bà đếm phiếu, đúng là một công chức đứng đắn, chớ đâu phải như cái bà cô Mary nào đó của Nghiệp Ðoàn Lao Ðộng South Bay Labor Council Santa Clara đã đòi “punch” vào mặt những cư dân khu vực 7 ủng hộ Recall. Láo thật!”

“Có những người như thế, mới thấy cái sai trái của vài người đại diện chính quyền khi họ phò những cái xấu, cái ác của xã hội. Hành động của cái ông đứng đầu đảng Dân Chủ Steve Preminger ở San Jose đã làm cho một số cử tri quay lưng lại với đảng Dân Chủ. Kỳ bầu cử tháng 11 đến đây, nếu ứng cử viên Tổng Thống Obama mất một số phiếu bầu, thì xin ông Obama hãy kêu ông Dân Chủ Steve Preminger ở San Jose này mà xức cho ông ta tí dầu cù-là ông Obama nhé!”

“Ờ mà lạ quá anh há! Người của họ đâu hết rồi? Ðám tay chân được thuê mướn đâu hết rồi? Ðám người “Ao Voi” đâu hết rồi, mà Labor Council chỉ gom được chưa tới 200 mạng? Ðám người ủng hộ báo, đài, anti-recall của họ đâu hết rồi? Chả lẽ còn hụp lặn, tắm rửa duới cái Ao Voi đó hay sao? Không lên bờ mà nhận lãnh túi xách mầu trắng, rồi đi tìm cư dân khu vực 7 để... anti, nếu không được, thì... “punch” họ chớ.”

“Không dám đâu. Họ khùng, chứ đâu có điên! Nhưng mà họ khùng có mức độ. Ðược thuê mướn nhưng trong giới hạn nào thôi. Cái trò rỉ tai nếu ký tên bãi nhiêm thì sẽ bị cúp trợ cấp tiền bạc, trợ cấp y tế, trợ cấp nhà cửa, coi bộ hỏng rồi. Phía xấu tung ra đủ trò ma giáo. Bà nghị và ông thị phen này nói chẳng có ai nghe. Nhất là cái vụ la làng rằng không tin có đủ chữ ký, rằng chữ ký giả. Suy bụng ta, ra bụng người. Họ chơi danh sách ma với 92 tên trong một công việc khác, với bảng Lên Tiếng “Ao Voi” có tên mà chả có người, hoặc một kẻ ký nhiều tên khác nhau, nên họ nghĩ phía bãi nhiệm cũng gian tà như họ.”

“Em lo, là để chống lại vụ Recall này, phía bọn gian và nghị Ma sẽ tung ra những đòn độc khác nữa chăng? Tội nghiệp phía Recall còn phải tỉnh thức để đối phó với những trò gian của họ. Em nghe mấy bà bạn nói rằng “Chỉ cần bãi nhiệm bà ta. Người khác lên, sẽ đương nhiên có khu phố Little Saigon dễ như San Francisco và các nơi khác, khỏi cần tranh đấu, cầu xin gì ráo trọi.

Chỉ cần kéo bà ta xuống, lôi bà ta rời khỏi tòa nhà hội đồng thành phố kia. Bà ta còn ngồi đấy, đồng hương ta sẽ giống như ngồi trên miệng núi lửa, nằm trong cơn địa chấn có cường độ 7 đến 8 chấm. Không làm ăn gì được nữa.”

“Trời ơi! Mải nghe em nói chuyện, anh ăn một bụng no quá rồi này. Bằt đền bà xã đấy! Cho anh khỏi phụ rửa bát nghe!”

Hoa-Hoàng-Lan

---