Friday, June 27, 2008
Bà Madision, ông Chuck Reed đứng chỗ nào trong lòng người Việt tại SJ?
Hình trên: Nghị viên Madision Nguyễn trong buổi Anti Recall Committee tại quán Paloma ngày 30/5/08
Thứ Năm, ngày 26 tháng 6 năm 2008
Bà Madision, ông Chuck Reed đứng chỗ nào trong lòng người Việt tại SJ?
----------------------------------------------------------------
• Đặng thiên Sơn
Bà Madision, ông Chuck Reed đứng chỗ nào trong lòng người Việt tại SJ?
• Đặng thiên Sơn
Bà Madison Nguyễn với gương mặt hớn hở, với tràng pháo tay nồng nhiệt, khi nghe thị trưởng Chuck Reed tuyên bố “đánh bại bãi nhiệm” tại quán cà phê Paloma ngày 30/5/08, đã xác định vị trí của bà đối với cộng đồng Việt Nam tại San Jose. Vị trí này, là chỗ bà đứng xa đồng hương để bám vào sự bao che của Chuck Reed, Sam Licarrdo, Forrest William, Pete Constant, Judy Chirco vân vân và vân vân.
Ngồi xem lại, nghe lại và nghiền ngẫm lại những gì ông Chuck Reed nói, được Việt Nam Nhật Báo ghi nhận qua băng video trên mạng lưới toàn cầu. Sau đó, được Hoàng thế Dân thêm mắm, thêm muối, thêm tiêu, thêm hành, thêm tỏi, thêm ớt, biến nó thành khủng khiếp rằng: Ông Chuck Reed sẽ dùng quyền lực “vùi dập” Bãi Nhiệm tơi bời, tới bến. Mọi người mới thấy tập đoàn Chống Bãi Nhiệm đã bất chấp luật lệ và đang dùng quyền lực để khủng bố tinh thần cử tri người Mỹ gốc Việt tại San Jose. Đặc biệt, là thị trưởng Chuck Reed đang thể hiện tinh thần “kỳ thị chính trị”. Vì thử hỏi, nếu Ủy Ban Bãi Nhiệm là một cộng đồng Mỹ, cộng đồng Mễ, ông Chuck Reed có dám mạnh miệng, to mồm như đối với cộng đồng Việt Nam không? Nhưng bây giờ thì còn quá sớm, để khẳng định thất bại hay thành công sẽ về phía nào, trước sự hăm he của ông thị trưởng này.
Trong hoàn cảnh hiện tại, cho dù việc bãi nhiệm Madison có bị ông Chuck Reed “vùi dập” tan tành giữa đường đi nữa. Thì những quan hệ quá xấu của bà ta với cộng đồng vẫn còn đó. Những quan hệ này, sẽ lót đường cho sự nghiệp chính trị của bà lồng trong một tương lai thê thảm, bi đát. Viễn ảnh đen tối kia được chứng minh hùng hồn qua hiện tượng, bà Madison xuất hiện nơi đâu trong sinh hoạt cộng đồng, thì nơi đó người ta đả đảo đứng lên xa lánh bà, như sợ dính hơi hám của một thứ gì ghê tởm.
Hình ảnh mới nhứt là trong ngày lễ kỷ niệm Quân Lực 19/6, do Liên Hội Cựu Quân Nhân đứng ra tổ chức tại tiền đình quận hạt Santa Clara nằm trên đường Hedding ngày 15/6/08 vừa qua. Ngày hôm đó, số người tham dự buổi lễ vốn đã thưa thớt, đã vậy, khi thấy có sự xuất hiện của bà Madison, nhiều người tham dự đã đứng lên bỏ ra về, khiến hiện trường đã thưa thớt lại càng thưa thớt vắng vẻ như cảnh chợ chiều. Sự kiện trên dẫn đến việc Ban Tổ Chức phải cho bế mạc chương trình sớm hơn như đã thông báo, mặc dù giờ khai mạc trễ. Hình ảnh kia đã nói gì? Câu trả lời, là nơi nào có sự hiện diện của bà Madison thì nơi đó mọi người sẽ lánh xa. Và còn nói lên tổ chức nào, hội đoàn nào mời bà Madison đến tham dự cho “danh giá” để “lãnh bằng khen” thì tổ chức đó sẽ gánh lấy thất bại thảm khốc, cho dù ý nghĩa của buổi lễ có là gì đi nữa. Thành ra mọi cố gắng chống lại cộng đồng, chống lại bãi nhiệm của bà Madison vào lúc này, chỉ là sự vùng vẫy của một tâm hồn bịnh hoạn.
Trong phần ca sáu câu vọng cổ của ông Chuck Reed tại cà phê Paloma được ông Việt Tân Hoàng thế Dân mô tả là để “cứu một đồng viện đang lâm nguy”, để “cùng ôm nhau mà sống”, để “cùng nhau phủ nhận giá trị đạo đức”, để cùng nhau “không công nhận là công bộc của dân”. Ông Chuck Reed đã hùng hồn nói to: “Madison không phải chỉ phục vụ cho quyền lợi của cộng đồng Việt Nam, mà phục vụ cho tất cả cư dân trong khu vực 7”. Câu này ông Chuck Reed nói rất đúng, không sai chút nào hết. Nhưng ông ta quên nói thêm là “không phục vụ” không đồng nghĩa với “không biết lắng nghe” để khuyên, để chỉ dạy bà Madison “phải biết lắng nghe tiếng nói của cử tri”. Rồi khuyên bà Madison nộp đơn xin từ chức cho khỏi tốn hao công quỹ thành phố đang thiếu hụt, và khỏi làm phiền lòng hàng xóm, cũng như nhân viên nhà nước.
Nhưng ở đây, ông Chuck Reed không làm vậy. Ngược lại, thái độ, lời nói của ông thay vì là hành động của người chữa lửa, ông ta trở thành kẻ chế dầu vào lửa. Sự việc này đã làm mọi người nghĩ rằng, ông Chuck Reed cố ý đốt cháy cộng đồng chống cộng cho một mưu đồ chính trị được tính toán, được thỏa thuận trước với một thế lực đen tối nào đó. Vì theo như lẽ thường với tư cách là một thị trưởng, thì không ai lại đến một quán cà phê nhỏ bé, tối tăm như một quán nhậu, để nói ra những lời chẳng liên quan gì tới chức năng của một thị trưởng. Những lời nói chẳng những không làm tăng uy tín, mà còn làm giảm tư cách con người.
TT. Chuck Reed và NV. Madision
Với sự hăng say, cuồng nhiệt, bất chấp hậu quả và tương lai sự nghiệp với những “favor” mà ông Chuck Reed đã dành cho Madison. Người ngoài cuộc đứng ở vị trí khách quan nhận xét. Thì đây là một “favor” hết sức bất thường. Sự bất thường đã dẫn đến một câu hỏi rất lớn trong đầu mọi người là: “Không hiểu tại sao ông Thị trưởng lại “cưng” bà nghị viên Madison dữ vậy?”.
Trong danh sách những dân cử, những tổ chức và những lãnh đạo cộng đồng ủng hộ và phản đối việc bãi nhiệm được liệt kê trong website của bà Madison, người đọc thấy đây là danh sách 30 người vừa là cá nhân vừa là hội đoàn toàn là người ngoại quốc. Trong danh sách này còn kèm thêm 5 văn bản, trong đó có phần lên tiếng của dân biểu Mike Honda thuộc khu vực 15 của tiểu bang đề ngày 18/6/08; thư ca tụng Madison của ông Gus Colgain, Chủ tịch công ty sản xuất nhà Mobil Home tại Calfornia; thư vinh danh Madison của bà Richard E. De La Rosa, Chủ tịch Hội Thương Gia trên đường Story và thư bày tỏ lòng ngưỡng mộ Madison của ông Robert Sandoval, Chủ tịch Hội Xóm Tây Evergreen.Và cuối cùng là nghị quyết 10 tháng 01 năm 2008 của chi bộ đảng Dân chủ tại quận Santa Clara của ông Clark Williams.
Nội dung các văn thư hay nghị quyết nói trên, hầu hết đều lên tiếng ca tụng công lao trời biển, tưởng như có một không hai của bà nghị viên Madison, tưởng như trong ba năm qua nếu không có bà nghị viên Madison thì cư dân khu vực 7 đã thê thảm về các vấn đề cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, an ninh, trật tự và thất nghiệp … Ngoại trừ, văn thư của dân biểu Mike Honda với những lời tương đối nhã nhặn, chừng mực, vừa phải, không nhắm mắt nói bừa.
Ở phần mở đầu, ông Mike Honda viết: “Tôi quan tâm về việc bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn sẽ mang tai hại đến cho chư dân San Jose, vừa là cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Bãi nhiệm là phương pháp cử tri truất phế các dân cử ra khỏi văn phòng làm việc vì có những hành động phi pháp, hạnh kiểm xấu xa trong lúc tại chức. Đây là phương pháp của ý định chỉ dùng vào những trường hợp trọng đại. Theo phối cảnh của tôi, những người đệ đơn thỉnh nguyện phải đưa ra những đặc trưng vững vàng và những sai trái căn bản cần thiết để dẫn đến bãi nhiệm (I am concerned about the recall efforts against Councilmember Madison Nguyen and the harm it will bring on San Jose’s resident, as well as the Vietnamese Ameican community. A recall election is a procedure by which voters can remove elected officials from office due to some form of malfeasance, or misconduct, while in office. This procedure is intended to be used only in grave situations. From my perspective, the recall petitioners have shown neither specific grounds nor wrongdoing that would rise to the standards necessary for the recall). Ở đoạn giữa bản văn, ông Mike Honda đề cao việc làm của Madison trên các phương diện phát triển kinh tế, nhà cửa, an ninh, chống tội phạm như bà ta thường kể lể trong Thư Xin Tiền hay Thư Trả Lời Bãi Nhiệm. Cuối cùng, ông Honda kêu gọi cử tri xét lại việc bãi nhiệm và không đồng ý bãi nhiệm.
Nói chung, những văn thư trong “No Recall” của Madison đọc qua người ta không ngạc nhiên, vì đó là lý luận, lời lẽ của những con “gà nhà bảo vệ gà nhà, mèo khen mèo dài đuôi”. Trong các văn thư này, họ đều cố ý tránh né, không đá động gì tới nhân cách của bà Madison, nguyên nhân chính đã khiến cái thế lực của ông Chuck Reed phải cắn răng chấp nhận Thỉnh Nguyện Thư Bãi Nhiệm. Đó là: “hành động phi pháp và hạnh kiểm không tốt của một vị dân cử”. Như những điều then chốt đã được ông Mike Honda đề cập tới là “malfeasance” (hành động phi pháp) và “misconduct” (hạnh kiểm xấu xa). Bà Madison có đủ những yếu tố này để bà phải chấp nhận đối đầu với việc bãi nhiệm, nó không liên quan gì đến ý thức chính trị hay tình tự của cái tên “Little Saigòn” mà bà Madison cố tình gán ghép đưa ra để đánh lừa dư luận ngoại quốc. Những yếu tố này là:
- Về “malfeasance” tức “hành động phi pháp”, thì bà Madison đã vi phạm luật Brown Act của tiểu bang khi lén lút vận động Forrest William bỏ phiếu cho tên “Sàigòn Business District”.
- Về “misconduct” tức (hạnh kiểm xấu), thì bà Madison lợi dụng chức quyền làm việc riêng tài phiệt Tăng lập Thành, qua Email vận động Cơ Quan Tái Phát Triển Thành Phố, những vấn đề tài chánh liên quan đến dự án xây cất khu chợ Việtnam Town, đã nói lên hạnh kiểm xấu của một nghị viên.
- Lừa gạt, nói láo cử tri VN về ngân khoản 2.8 triệu cho việc xây cất Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng và nói láo nhiều lần về quyết định đặt tên cho một khu thương mại v.v., đã nói lên đạo đức của một nghị viên.
Do đó, những bảng lên tiếng của những người ủng hộ Madison, là những thứ giấy lộn, là những lời nói tái lập lại của những nỗ lực như đã làm trong vụ dân California bãi nhiệm Thống đốc Grey Davids vào năm 2003. Kết quả của những cố gắng vận động “quí báu” kia là sự thất bại. Lòng dân, cử tri California đã đánh bại thủ đoạn chính trị của những thế lực ủng hộ ông Grey Davids. Để cuối cùng ông Grey David phải ra đi, nhường chỗ cho ông thống đốc hiện tại là Arnold của đảng cộng hòa. Hình ảnh sự nghiệp chính trị của bà Madison trong những ngày sắp tới cũng như thế.
Rốt cuộc sự cố gắng chống đỡ bãi nhiệm của bà Madison và người đồng minh thân cận là ông Chuck Reed như hiện nay, là “hình ảnh của một nam và một nữ đang đeo càng máy bay trực thăng” để đi xa một nơi, mà trước đó họ được cộng đồng Việt Nam quí trọng và thương mến.
Đặng thiên Sơn.
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2008/20080626_01.htm
TT. Chuck Reed và NV. Madision: