Từ “Little Sàigòn” đến “ Vietnamese-American Community Center"
Đặng thiên Sơn
Cách nay vài năm, khi người đàn bà trẻ người Mỹ gốc Việt đắc cử vào chức vụ nghị viên khu vực 7 thành phố San Jose . Chẳng những người Việt trong khu vực này vui mừng, mà người Việt khắp thành phố cũng vui lây. Nhưng một năm, sau ngày đắc cử, bà nghị viên đã tạo ra sự khủng hoảng giữa Cộng Đồng Việt Nam và chính quyền vì việc đặt tên “Little Sàigòn” cho một khu thương mại. Ngày nay, thêm một lần nữa, bà lại tạo ra sự nghi kỵ giữa chính quyền và CĐVN về cái gọi là “ Vietnamese-American Community Center ”.
Ngày trước, bà nghị viên chống tên “ Little Sàigòn” vì tên này có “âm hưởng chống cộng”. Hành động và lời nói đầy trịch thượng của bà như: “Những người biểu tình đi vòng vòng trước City Hall giống như gánh xiệc...” Hay “Đó chỉ là thiểu số ăn ở không ngồi rồi, đi hạch sách bà…” vân vân và vân vân. Việc làm và lời nói đó, đã tạo ra khoảng cách giữa bà và Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản. Dư âm phiền muộn trong lòng người Việt đối với cái tên “Little Sàigòn” vẫn còn là nỗi đau chưa tan. Thì hôm nay, với cái gọi là “Vietnamese - American Community Center ”, đã khiến một lần nữa CĐVN San Jose băn khoăn, xáo trộn.
Trước những tấm giấy đánh máy, hàng chữ được viết bằng tay: “We don’t trust Madison Nguyen any more”, chắc chắn đã làm bà nữ nghị viên khu vực 7 không vui. Và với dư luận xôn xao từ những ngày cuối tháng 8/09 đến giờ , chắc chắn đã làm những bửa cơm trong gia đình người Việt tại San Jose không còn được ngon miệng như trước . Đối với những sự kiện như vậy! Những người có liêm sĩ, có đạo đức, còn lương tri, không thể nào phủ nhận những rắc rối, lận đận, đã và đang chụp xuống CĐVN đầu dây, mối nhợ đều do bà nghị viên người Mỹ gốc Việt mà ra.
Trong đời sống, có vui thì phải có buồn. Đó là lẽ đương nhiên! Nhưng, bất hạnh cho CĐVN San Jose là buồn nhiều hơn vui, kể từ ngày có bà nghị viên người Mỹ gốc Việt “lọt chân” vào HĐTP.
Buồn nào rồi cũng qua! Vui nào rồi cũng hết! Nhưng làm sao hiểu được chân lý của vui, của buồn, để tìm cách gìn giữ hay vứt bỏ. Thì đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ để nhận ra.
Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu không nhìn ra chân lý những điều mình muốn. Chúng ta sẽ thiếu động cơ thúc đẩy để cố gắng đạt đến mục đích. Khi biết căn nhà là nơi đụt nắng, che mưa. Người ta sẽ cố gắng làm việc để có cái nhà để che thân. Trong đấu tranh khi nhận ra chính nghĩa, thì sự dấn thân mới bền bỉ lâu dài. Khi hiểu làm người ai cũng có phẩm cách và danh dự, thì người ta mới cố gắng làm những điều phải làm để bảo vệ danh dự, uy tín của mình khi bị tổn thương hay đang có mầm móng đe dọa sắp bị tổn thương.
Trong cuộc họp thăm dò ý kiến của Ban Đặc Nhiệm ngày 12/9/09 vừa qua. Với những phát giác chung quanh cái gọi là “Vietnamse - Amerian Community Center ”. Người tham dự đã nhận ra lòng tin, cảm tình của người Việt trong vùng dành cho bà nghị viên khu vực 7 càng ngày càng sa sút do việc bà ta đã toa rập cùng thành phố lấy danh nghĩa cộng đồng VN xử dụng không đúng chỗ.
Nhìn vào ý kiến của người tham dự được Ban Tổ Chức tóm tắt trên bảng. Mới thấy rằng CĐVN là một thực thể có tư cách, biết tôn trọng quyền lợi chung của xã hội. Bảng tóm tắt là nhân chứng để minh định: “không một người Việt nào phản đối chính quyền khi họ thành lập một trung tâm đa văn hóa để đáp ứng nhu cầu xã hội, văn hóa, giáo dục và giải trí cho mọi sắc tộc”. Không có một ý kiến nào bày tỏ ý định muốn chiếm độc quyền xử dụng trung tâm, đã cho thấy CĐVN lên tiếng vì nhiều lý do khác. Trong đó có những lý do dưới đây:
1). Thành phố đặt tên là “ Vietnamese-American Community Center ”, nhưng mục đích là phục vụ mọi sắc dân. Đã cho thấy cái danh bên ngoài không đồng thuận với việc làm bên trong.
Một cửa tiệm với hàng chữ quảng cáo lớn và rõ ràng bên ngoài là: “Nhà hàng Việt Nam ” thì không thể là nơi khi thực khách VN đến ăn thì nhân viên nhà hàng cho biết: “Hôm nay chúng tôi bán Pizza và Tacobell… Ngày mai chúng tôi bán Hamberger và Hot dog. Ngày mốt chúng tôi bán cơm Thái, cơm Đại hàn… Ngày khác chúng tôi bán thức ăn Việt Nam” . Như vậy bảng hiệu “Nhà hàng Việt Nam ” bên ngoài là sự dối trá, lừa gạt trắng trợn.
2) Cộng đồng Việt Nam không chấp nhận cái gọi là “Vietnamese-American Community Center” vì nó chẳng những không chính danh, mà còn ẩn tàng mầm móng bất lợi liên quan đến uy tín, danh dự cộng đồng người Việt.
- Là một trung tâm văn hóa đa sắc tộc nhưng lại tên là “Trung tâm cộng đồng người Mỹ gốc Việt”. Điều này sẽ tạo ra sự chia rẻ, kỳ thị với các sắc tộc khác. Trong khi chính quyền có thể chọn cái tên hợp lý chính danh hơn như: “Trung tâm Cộng Đồng Đa Sắc Tộc” để tránh sự đố kỵ của các cộng đồng khác nhìn vào cộng đồng VN.
- Là một cơ sở chung, nhưng nếu có những vấn đề như trộm cắp, đánh lộn, cướp của, giết người xảy ra trong lúc chưa biết thủ phạm là ai. Nhưng, chắc chắn mang tiếng là Cộng Đồng Việt Nam khi báo chí loan tin là đã xảy ra tại “ Vietnamese-American Community Center ”. Chuyện “Quít làm, Cam chịu” là một sự nhảm nhí không thể chấp nhận. Sự đặt tên này, là việc làm vô ý thức của một người mang giòng máu VN nhưng chỉ vì quyền lợi cá nhân mà bán uy tín, danh dự của một dân tộc. Đây là sự sai lầm tai hại nên CĐVN không đồng ý.
Hàng ngày, tổng đài phát thanh AM1430, Sở Cảnh Sát cứ một giờ, nửa tiếng, nhắc nhở dân thành phố ra đường coi chừng bị giựt bóp. Đã cho thấy thành phố đang trong tình trạng an ninh bất bất ổn.
Do đó, nếu cái tên “LittLe Sàigòn” tiêu biểu cho căn cước của người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản trong một khu thương mại. Thì cái tên “ Vietnamse-American Community Center ” tiêu biểu cho cả một dân tộc trong lãnh vực Văn hóa, Xã hội , Chính trị lẫn Kinh tế của người Việt lưu vong. Cho nên, CĐVN đề nghị yêu cầu chính quyền đổi cái gọi là “Vietnamese-American Community Center” thành một tên khác là một nguyện vọng chính đáng, hợp lý, hợp pháp không thể phủ nhận.
3.) Vào tháng 10 năm 2006, bà nghị viên khu vực 7 khoe thành tích là đã vận động thành phố được ngân khoản 2 triệu 800 ngàn để thành lập một trung tâm sinh hoạt dành cho người Việt Nam. Như là một tài sản riêng, bà nói thẳng đã giao cho một bác sĩ lập Ban Điều Hành để tiến hành thủ tục “tiếp thu”. Nhưng sự thật không phải vậy. Vì qua buổi hội thảo ngày 12/09/09, một lần nữa bản chất nói láo chuyên nghiệp của nữ nghị viên kia đã lộ ra. Mọi người tham dự đề nghị không muốn thấy bà xuất hiện trong những kỳ hội thảo sắp tới do sự bất tín nhiệm, cũng là ý kiến chính đáng.
Khi nói đến thành tích của bà nghị viên , ngoài các thành tích mơ hồ như đã tạo được 1.000 việc làm trong khu chợ The Plant, xây được hàng trăm căn nhà housing tại đường Senter, xây công viên chùa Đức Viên, vân vân... Thì thành tích lập “Vườn Văn Hóa Việt” của bà là một sì nhục cho CĐVN tại San Jose khi người ta đi ngang qua cái vườn này.
Trong chương trình phát thanh của LĐCTNV/BCL ngày 18/9/09, khi các ông Hồ Vũ, Lê Lộc, Thomas Nguyễn đề cập đến thành tích hoạt động của bà nghị viên. Thính giả nghe qua đều ngao ngán. Khi nghe nhắc đến bốn chữ “Vườn Văn Hóa Việt” người nghe bổng bất giác ngậm ngùi. Tủi cho cho nền văn hoá dân tộc, đã bị bà nghị viên và ông bác sĩ bôi bác một cách thê thảm.
Khi đi ngang qua cái gọi là “Vườn Văn Hoá Việt” trên đường Robert, không một người nào tránh khỏi chua xót khi nhìn thấy cỏ vàng, cát bụi đã phủ lấp “viên đá đầu tiên” trị giá 600 ngàn đô la. Còn tấm bảng cao vừa khỏi ngọn cỏ thì đã bị kẻ phá phách vẻ bậy, bôi bẫn lên đó. Trong khi ấy, hai lá cờ Mỹ -Việt trên cao lúc thì ủ rủ, lúc thì bay bay một cách trơ trẻn. Khiến ông đi qua, bà đi lại không hiểu đó là cái vườn gì. Hình ảnh này trông còn bi thảm hơn “nấm đất” của kỷ nữ Đạm Tiên được thi hào Nguyễn Du diễn tả trong tác phẩm Kim Vân Kiều qua hai câu lục bát: “Xè xè nấm đất bên đàng - Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”.
Thành tích văn hóa của bà nghị viên với mãnh vườn đầy cỏ dại ba năm trơ gan cùng tuế nguyệt, đã khiến hai thành viên LĐCTNV/BCL là Hồ Vũ và Lê Lộc thảng thốt kêu lên đó là vườn văn hóa thời Động Đình Hồ. Trong khi ấy thảm cảnh “ Vườn Văn Hóa Việt” được ông Thomas Nguyễn mô tả là việc làm thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm và coi người đời như cỏ rác của một nghị viên.
Rồi đây, cũng như câu chuyện tên “Little Sàigòn” cái gọi là “Vietnamese-American Community Center” sẽ được các cơ quan truyền thông Mỹ, Mễ như đài KLIV, báo SJM, báo Metro cắm râu, thêm sừng để biến CĐVN thành con con cú, quá khích, hẹp hòi và bà nghị là con phượng hoàng của của thành phố. Chuyện bóp méo, vo tròn, vẻ hình, thêm bóng con người và xã hội là việc của các cơ quan truyền thông coi chân lý, lẽ phải là đồng đô la. Riêng CĐVN khi đã nhận ra từ chuyện “Little Sàigòn”, đến sự áp đặt tên “Vietnamese-American Community Center” là hiện thân của một chính quyền thực dân mà CĐVN đang đối diện, thì chúng ta phải làm gì để bảo vệ quyền lợi, uy tín, danh dự của mình. Nếu việc bảo vệ sự vĩnh cửu của cộng đồng VNHN là chân lý, thì con đường chọn lựa duy nhứt của mọi người là cùng nhau đứng lên cho dù chông gai, gian khổ.
Đặng thiên Sơn (23/9/09)
---