Hết cộng đồng tiếm danh đến chính quyền tiếm danh!
* Đặng thiên Sơn
Vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 12 /09/09, trên hơn 200 người Việt quốc gia tỵ nạn CS tại thành phố San Jose , Bắc California đã đến tham dự buổi thăm dò ý kiến do Ban Đặc Nhiệm tổ chức tại trường trung học Yerba Buena. Tinh thần buổi họp, là tạo một diễn đàn để mọi cư dân trong thành phố thảo luận, phát biểu ý kiến về việc thành lập một cơ sở mang tên “Vietnamese -American Community Center”. Sau buổi thảo luận, Ban Đặc Nhiệm sẽ đúc kết các ý kiến đệ trình lên thành phố, để thành phố dựa vào đó quyết định những việc làm kế tiếp.
Buổi thảo luận ngày 12/09/09, đã làm sáng tỏ thêm những vấn đề như sau:
- “ Vietnamese-American Community Center ” được lập ra để đáp ứng nhu cầu xã hội, văn hóa, giáo dục và giải trí cộng đồng cho mọi sắc dân. Trong đó có những chương trình của người Mỹ gốc Việt. Những sinh hoạt có tính cách chính trị không được đề cập đến.
- Ngân quỹ 2 triệu 750 ngàn thành phố cấp, chỉ dành cho kế hoạch xây cất và sửa chữa trung tâm. Thành phố đã chọn trung tâm Shirakawa tại số 2072 Lucertia, San Jose thuộc khu vực 7 làm nơi thực hiện dự án.
- Khi xong, thành phố sẽ giao việc điều hành trung tâm cho một tổ chức bất vụ lợi có khả năng, bất kể sắc dân nào. Thành phố sẽ đưa ra mẫu đề nghị (Request for Proposal) cho những tổ chức nào đủ điều kiện muốn quản lý trung tâm. Như vậy, sau khi tu bổ xong vào năm 2011, trung tâm không hẳn là do cộng đồng VN quản trị.
- Các đề nghị, ý kiến về dự án sẽ hoàn tất và đệ nạp lên HĐTP sớm vào năm 2010. (Recommendations through the outreach process will go to City Council in early 2010).
Cuối cùng vấn đề đặt ra trong buổi thảo luận, là cơ hội nào và làm thế nào để phát triển trung tâm.
Khi thành phố đã sắp xếp các chương trình hoạt động cho trung tâm và hầu như đã quyết định trước, rồi mới mướn người tổ chức các buổi họp gọi là đóng góp ý kiến như đã trình bày. Cho thấy, đây là cách “Chơi ngược : đặt con trâu trước cái cày” của HĐ thành phố. Tuy nhiên, buổi họp ngày 12/09/09 của Ban Đặc Nhiệm được đánh giá tương đối thành công trên phương diện dân chủ. Và có ý nghĩa về phản ứng của CĐVN đối với thành phố và cá nhân bà nghị viên người Mỹ gốc Việt tại khu vực 7.
Trong chương trình phát thanh của của Liên Đoàn Cử Tri Người Việt Bắc Cali vào ngày thứ Bảy 11 tháng 9/09 vừa qua, thính giả cảm thấy thích thú khi nghe bác sĩ Nha khoa Hồ Vũ nhấn mạnh ba chữ “cái gọi là” trước tên “Vietnamese-American Community Center” khi thảo luận với ông Lê Lộc, Phó chủ tịch LĐCT về dự án xây dựng trung tâm.
Người ta thường dùng cụm từ “cái gọi là” trước một cái tên hay một danh xưng để diễn tả sự khôi hài, lố bịch, lẫn bất chính của cái tên đó.
Người Miền Nam Việt Nam hay nói “Cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ” vì thực chất của mặt trận này không phải là giải phóng cho ai. Mà là một tổ chức cướp của, giết người và làm tay sai cho Nga-Tàu.
Người Việt Nam cũng thường hay nói “Cái gọi là không có gì quí hơn độc lập tự do” của Việt Cộng để ám chỉ khẩu hiệu này là cái bánh vẻ. Chỉ có trên tường tại các cơ sở làm việc của VC. Chỉ có tại các ngã ba, ngã tư đường để tuyên truyền. Còn trên thực tế người dân không có tự do gì cả và và đất nước đang chịu sự sai khiến, nô lệ Tàu Cộng.
Khi tham dự buổi họp, người ta còn phát giác thêm một điều khá thú vị, là ngoài việc “treo đầu đê bán thịt chó” và bán “bánh vẻ”. Thành phố còn đưa ra một “chiêu” nói rằng, tên “Vietnamese-American Community Center” có thể sau này được sửa đổi lại với câu thòng thêm, là việc sửa đổi phải theo tiến trình đặt tên của thành phố. Như vậy, đã cho thấy cái gọi là “Vietnamese-American Community Center” là một vở tuồng, với đầy đủ kịch tính của nó.
Thành phố có nhã ý dành một ngân khoản để thành lập một cơ sở lấy tên là “Vietnamese -American Community Center”. Có thể hiểu, là thành phố “đỡ đầu” cho một dự án dành cho cộng đồng VN. Thái độ đỡ đầu ! Được xem là hành động của một “bà mụ” đỡ đẻ. Nếu thật tâm giúp đỡ và vinh danh CĐVN, thì TP phải hiểu rằng việc đặt tên cho đứa bé hãy để cho cha mẹ nó tức là Cộng Đồng VN chọn lựa, đặt tên và dạy dỗ chớ không phải là “bà mụ”.
Hơn ai hết, thành phố phải hiểu rằng 15 năm qua, cộng đồng người Việt tại thành phố San Jose có một tổ chức gọi là Ban Đại Diện CĐVN Bắc Cali. Cho nên, khi quyết định một việc ảnh hưởng đến danh nghĩa cộng đồng VN, thành phố nên liên lạc trực tiếp với Ban Đại Diện Cộng Đồng của họ. Cũng như các Ban Đại Diện cộng đồng người Mễ, Phi Luật Tân, Đại hàn, Nhật Bổn, Lào, Miên… và Congo đang có mặt tại thành phố, thì Ban Đại Diện CĐVN là một trong số những cộng đồng này. Đây là những tổ chức chính danh, hoạt động hợp pháp có giấy phép của tiểu bang.
Với sự hoạt động có giấy phép, các Ban Đại Diện Cộng đồng thiểu số có tư cách pháp nhân trước chính quyền. Đối với tư cách của họ. Nếu là một chính quyền có đạo đức, có nhân bản, biết tôn trọng tự do và thật lòng phục vụ cư dân thì thành phố phải biết trân trọng các Ban Đại Điện này. Bởi vì, xét ra, giá trị của các Ban Đại Diện trên phương diện tinh thần, sự tín nhiệm của người dân đối với BĐD còn cao hơn một nghị viên của một khu vực.
Là chính quyền, Hội Đồng Thành Phố, hơn ai hết phải hiểu và ý thức rằng, đối với cộng đồng Việt Nam tại San Jose . Bà nữ nghị viên người Mỹ gốc Việt tại khu vực 7, giá trị đại diện của bà chỉ lẫn quẩn trong khu vực của bà mà thôi. Ngoài khu vực 7, bà không có thêm một phiếu bầu nào khác. Nói như vậy, để xác định tiếng nói hay đề nghị của bà ta liên quan đến CĐVN tại San Jose chưa hẳn là tiếng nói tiêu biểu, trung thực. Đây cũng là lý do giải thích tại sao bà im hơi, lặng tiếng trước cái chết đầy nghi vấn của Daniel Sơn Phạm do cảnh sát gây ra tại khu vực 8. Vì lên tiếng là dẫm chân lên “phần đất” của nghị viên Kenshen Chu. Trong khi ấy Ban Đại Diện CĐVN/BCL do Nguyễn Ngọc Tiên, Liên Đoàn CTNV/BCL do LS.Ngô Văn Tiệp và Little Sàigòn Foundation do TS. Đỗ Hùng lãnh đạo đã mạnh dạn, thẳng thắn đặt vấn đề với HĐTP, với Văn Phòng Biện Lý Cuộc và Sở Cảnh Sát.
HĐTP chỉ dựa vào những đề nghị của bà nghị viên khu vực 7, để đặt tên cho dự án mang danh người Việt Nam mà không thảo luận đầy đủ, rộng rãi với các đại diện, và hội đoàn Việt Nam là một hành động tiếm danh. Tiếm danh là một “hành vi phạm pháp trong một chế độ thượng tôn luật pháp”.
Là chính quyền, ông Thị trưởng Chuck Reed và HĐTP phải thấy được thực chất của Ban Đại Diện CĐVN /BCL hiện nay. Thực chất này, đã được chứng minh khi thành phố dự định áp đặt tên “Sàigòn Business District” cho một khu thương mại VN trên đường Story Rd. Với số lượng hàng chục ngàn người tham gia biểu tình trước tiền đình City Hall phản đối chính quyền chà đạp dân chủ. Đã cho thấy, giá trị lời kêu gọi của Ban Đại Diện CĐVN/BCL như thế nào. Giá trị và hình ảnh này, so với những gì đã xảy ra vào ngày 12/09/09 tại trường Y.B, khi bà nghị viên khu vực 7 được BTC giới thiệu lên sân khấu nói chuyện. Thì hầu như 90% người tham dự đã đứng lên bỏ ra ngoài. Hành động bày tỏ sự bất tính nhiệm, nên họ không muốn nghe những gì bà này nói, dù là lời chào mừng thăm hỏi.
HĐTP chấp thuận những gì do bà nghị viên khu vực 7 đưa ra, là một quyết định nông cạn, hồ đồ. Thành phố dùng Trung tâm Shirakawa trên đường Lucretia - một khúc xương gà mục nát đã bị người khác chê, vứt bỏ đi để thực hiện dự án “Vietnamese -American Community Center” là một hành động độc ác, vô nhân đạo.
Không một ai làm thị trưởng hoài tại một thành phố và không một ai làm nghị viên hoài tại một khu vực. Chắc chắn rồi đây những “con sâu làm rầu nồi canh” trong CĐVN sẽ bị đẩy lùi vào bóng tối. Và thị trưởng bất tài, nghị viên bất xứng sẽ bị đào thải ra khỏi HĐTP vào nhiệm kỳ năm 2010.
Đặng thiên Sơn (16/09/09)
---