Wednesday, September 2, 2009

dts: Không ai muốn bất hạnh đến với mình

Không ai muốn bất hạnh đến với mình

Đặng thiên Sơn

Đời sống của con người là một chuổi ngày sinh ra để sống rồi chết. Trong chuỗi ngày này, vấn đề không phải là một trăm năm hay vài chục năm. Mà khi sống, người ta đã làm được những điều gì có ý nghĩa. Và không ai muốn những điều bất hạnh xảy đến cho mình và những người thân. Những điều bất hạnh là những chuyện không nằm trong quy luật : sinh ra, già yếu, bịnh hoạn, để rồi chết . Với quan điểm “con kiến còn ham sống.”

Tuy không muốn, nhưng con người vẫn thường phải đón nhận những chuyện bất hạnh, không vui. Một trong những trường hợp không vui đã xảy đến cho gia đình ông Phạm Vinh , là việc cậu Daniel Sơn Phạm bị cảnh sát San Jose bắn chết đúng vào ngày “Mother day” 10 tháng 05 năm 2009 vừa qua.

Daniel Sơn Phạm bị bắn chết tới nay, ngày tôi viết những giòng chữ này, đã được hơn 100 ngày 2 tuần. Cái chết của Daniel Sơn Phạm vẫn còn bít kín và vẫn chưa được chính quyền thành phố làm sáng tỏ nội vụ.

Có thể nói cái chết của Daniel Sơn Phạm là một vụ án mạng hy hữu. Hy hữu vì kẻ gây ra án mạnh là nhân viên công lực. Nhân viên công lực ở đây là nhân viên cảnh sát - người hưởng bổng lộc do dân đóng thuế được gọi đến để giúp nạn nhân. Nhưng ngược lại, họ đã trở thành kẻ giết người. Thật là quái oăm! Vì trên đời này không có chuyện nghịch lý là người ta đóng thuế để đi mướn người đến giết thân nhân họ.

Cái chết của Daniel Sơn Phạm không những riêng trong cộng đồng Việt Nam bàng hoàng, mà hầu như mọi cư dân trong thành phố San Jose đều ngẫng ngơ, sững sốt.

Xin hãy nghe lời kể của ông Phạm Vinh, cha nạn nhân. Để thấy rằng thảm cảnh xảy ra có những điều mà sở cảnh sát cần xét lại việc làm “giúp đở dân” của họ.

Theo lời ông Phạm Vinh, thì con trai ông là cậu Daniel Sơn Phạm 28 tuổi bị bịnh tâm thần đã lâu. Sơn bị bịnh từ khi còn đi học ở college. Chính vì bịnh nên Sơn đã không theo đuổi việc học đến nơi đến chốn.

Biết con mình chẳng may bị bịnh, nên mọi người trong gia đình ông Vinh, ai cũng hết sức thương yêu, chịu đựng và giúp đỡ Sơn vượt qua mọi cơn khủng hoảng tâm lý. Trong tiến trình chữa trị với những khó khăn thỉnh thoảng xảy ra, gia đình ông Phạm Sơn đã ba lần gọi 911 để nhờ cảnh sát đến đưa Phạm Sơn vào bịnh viện.

Ông Phạm Vinh cho biết, mỗi lần Sơn lên cơn để đến nỗi gia đình phải nhờ cảnh sát can thiệp, là mỗi lần gia đình ông lo sợ khi nghĩ đến thảm cảnh của Trần Thị Bích Câu năm nào. Bích Câu đã bị cảnh sát bắn chết. Thế nên, chẳng đặng đừng gia đình ông mới nhờ đến cảnh sát. Nhưng, nỗi lo sợ của gia đình ông Vinh đã trở thành sự thật. Đến lần thứ tư, khi gọi cảnh sát đến can thiệp, thì việc bất hạnh lại xảy ra.

Khi nhân viên cảnh sát đến nhà, người anh của Daniel Sơn Phạm là Brian Phạm đã lên tiếng báo động với cảnh sát rằng, Daniel Sơn Phạm là một người đang mắc bịnh tâm thần . Đồng thời Brian Phạm đã ba bốn lần lên tiếng nhắc nhở, dặn dò, khẫn khoản với cảnh sát “Xin đừng bắn em tôi!”. Nhưng, hình như những người cảnh sát hành sự không quan tâm đến những lời khuyến cáo, van xin tha thiết của Brian Phạm. Họ bất chấp lời nhắc nhở của người dân và cứ lặng lẽ làm theo ý của họ. Đã cho thấy thiếu sự hợp, khi lúc nào họ cũng hô hào kêu gọi sự hợp tác của người dân.

Khi đến nơi, từ phía trước nhà, nhân viên cảnh sát tiến về phía sân sau nơi Daniel Sơn Phạm đang đứng một mình. Họ nhắm vào Daniel Sơn Phạm bắn 4,5 phát liền một lúc làm Sơn ngả gục chết liền tại chỗ.

Ông Phạm Vinh ngậm ngùi kể. Trong hoàn cảnh hiện trường vừa trình bày. Nếu nhân viên cảnh sát là những người có lòng nhân hậu và với tinh thần phục vụ người dân đúng đắn. Và là người tỉnh táo hơn Daniel Sơn Phạm Sơn, cảnh sát phải biết xử trí ra sao với một bịnh nhân tâm thần. Trước tiên họ phải có lòng trắc ẩn, thương cảm để “nới tay” đối với người bịnh. Hơn nữa Sơn đang đứng một mình và trong tình trạng không có thể gây nguy hiểm đến cho bất cứ một người nào, kể cả với họ. Nên điều người cảnh sát phải làm, nên làm là dùng lời nói khuyến dụ, thuyết phục để làm hạ cơn rối loạn tâm thần của Daniel Sơn Phạm rồi tìm cách đưa người bịnh vào nhà thương. Nhưng than ôi! những người “bạn dân” được mời đến giúp dân họ không làm việc này. Để giải quyết công việc một cách mau chóng và không cần suy nghĩ lôi thôi. Nhân viên cảnh sát đã nổ súng bắn chết Daniel Sơn Phạm ngay tại chỗ. Hành động này, khiến người ta liên tưởng đến phim cao bồi có tựa đề “Bắn Chậm Thì Chết” dạo nào.

Trong cuộc phỏng vấn của ông Thomas Nguyễn trên chương trình phát thanh của LDCTNV/BCL nào ngày thứ Sáu 22 tháng 8 năm 2009 vừa qua. Luật sư Nguyễn thị Thu Hương, người đang đảm trách hồ sơ Daniel Sơn cho biết 100 ngày đã trôi qua. Nhưng, tới giờ phút đó bên Sở Cảnh Sát thành phố vẫn chưa công bố một chi tiết nào về cái chết của Daniel Sơn Phạm.

Luật sư Thu Hương còn cho biết, theo lẽ thông thường thì chỉ trong một tuần lễ phải có bản báo cáo rồi. Về phía Giám định Pháp y cũng không được nhắc tới và ngay cả tên tuổi nhân viên cảnh sát bắn chết nạn nhân cũng không được tiết lộ. Những sự kiện vừa nói, đã cho thấy có những điều bất thường trong cái chết của Daniel Sơn Phạm, so với cái chết của Trần thị Bích Câu năm nào. Đối với vụ Trần thị Bích Câu, tất cả hồ sơ liên quan tới nội chỉ trong một tuần đã được công bố công khai.

Qua cái chết Daniel Sơn Phạm với tinh thần làm việc của Sở Cảnh Sát, Văn Phòng Biện Lý và Văn phòng Thị Trưởng thành phố “đã không tránh khỏi người dân nghi ngờ” cái chết của Daniel Sơn Phạm do cảnh sát gây ra, là một vi phạm nghiêm trọng trong cách hành xử của cảnh sát khi tiếp cận với người dân.

Được biết trong Ngày Hội Cộng Đồng 23/8/09, đã có trên 600 đồng hương ký tên vào Bản Thỉnh Nguyện Thư của gia đình ông Phạm Vinh yêu cầu Hội Đồng Thành Phố làm sáng tỏ cái chết của Daniel Sơn Phạm và Sở Cảnh Sát công bố nội dung cuộn băng thu âm khi gia đình Daniel Sơn Phạm gọi 911 cầu cứu với Sở Cảnh Sát .

Sự việc xảy ra chưa ai khẳng định nhân viên ảnh sát đã hành sự đúng hay sai nguyên tắc. Nguyên tắc ở đây, là những điều người cảnh sát được huấn luyện tại trung tâm huấn luyện và sự uyển chuyển làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế nơi hiện trường. Nhưng, điều tôi muốn nêu ra ở đây là việc làm sáng tỏ nội vụ một cái chết, là bổn phận và nhiệm vụ của Sở Cảnh Sát, Hội Đồng Thành Phố, Văn phòng Biện Lý Cuộc khi có sự khiếu nại trong tinh thần luật định. Một việc mà chính quyền phải thực hiện càng sớm càng tốt, để tránh sự hoang mang trong lòng người dân.

Làm sáng tỏ một vụ án mạng ở đây, không có nghĩa bắt buộc chánh quyền phải thừa nhận lỗi lầm ngộ sát hay cố sát. Mà là sự giải thích rõ ràng quan điểm của chính quyền đối với sự việc để người dân an tâm sinh sống và tin tưởng vào sự làm việc của nhân viên cảnh sát. Thái độ trì hoản của chính quyền với thời gian dài bất thường, đã cho thấy chính quyền Chuck Reed khinh thường tiếng nói và mạng sống của người dân. Và những cơ quan liên hệ trong chính quyền không làm điều này là trái với lương tâm và công lý.

CĐVN là một cộng đồng thiểu số. Nhưng, về phương diện công dân Hoa Kỳ , người Việt đã đóng góp vào sự phồn vinh của thành phố San Jose. Do đó, họ có quyền đòi hỏi chính quyền giải đáp những thắc mắc, khiếu nại và thỉnh nguyện trong tinh thần thượng tôn luật pháp. Cái chết của thanh niên Daniel Sơn Phạm trên phương diện đời sống thì cũng bình thường như những cái chết khác. Nhưng làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết có nhiều nghi ngờ, là điều cần thiết.

Khi gia đình Micheal Jackson đòi hỏi chính quyền làm sáng tỏ cái chết của người ca sĩ tài danh và được chính quyền đáp ứng? Phải chăng gia đình Micheal Jackson nhờ có sức mạnh của đồng tiền? Điều này để mọi người thấy rằng, là thành phần thiểu số, cái vốn của chúng ta chỉ là những lá phiếu. Tuy thiểu số, nhưng trong các cuộc tranh cử vừa qua đã cho thấy những lá phiếu thiểu số này đã góp phần tích cực vào sự định đoạt chức vụ Thị trưởng, Nghị viên trong thành phố. Và cuối cùng, cộng đồng VNHN trên mọi phương diện đừng để chính quyền địa phương nơi mình cư trú nghĩ rằng, chúng ta chỉ là những cục thịt biết đi, biết đứng cho họ tùy tiện bóp méo, vo tròn .

* Đặng thiên Sơn (3/9/09)

---