Một lá phiếu là một viên gạch xây dựng cộng đồng
*Đặng thiên Sơn
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, vì không chấp nhận chế độ cộng sản dã man, hàng triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi tìm tự do. Cuộc hành trình đi tìm tự do của người Việt đã trở thành bi hùng ca của thời đại với hàng trăm ngàn người đã vùi thây trong lòng biển cả, hàng ngàn người bỏ xác nơi rừng sâu, núi thẳm. Hình ảnh bi hùng này đã trở thành thông điệp gởi đến nhân dân thế giới về lòng khao khát đời sống tự do, dân chủ của con người.
Đến nay, sau hơn 30 năm. Người Việt có mặt tại hải ngoại với bất kỳ một lý do nào như: tỵ nạn chính trị, đoàn tụ gia đình hay vì kinh tế, thì cộng đồng người Việt đã là một thực thể mà cộng đồng các quốc gia trên thế giới không thể phủ nhận. Người ta thừa nhận cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại vì sự làm việc của người Việt, đã đóng góp rất nhiều vào công trình phát triển đời sống nhân loại trên các phương diện Văn hoá, Xã hội, Kinh tế lẫn Chính trị.
Trước ngày Hoa Kỳ bang giao với chính quyền Việt Cộng, người Việt tha hương rất gắn bó trong lý tưởng đấu tranh chống cộng. Nhưng kể từ ngày Mỹ-Việt có quan hệ ngoại giao và sau đó với sự xuất hiện của hàng chục ngàn du học sinh, song song với nghị quyết 36 của VC tình hình trong cộng đồng VN đã có nhiều biến chuyển và thay đổi quan trọng. Bầu nhiệt quyết, sự hăng say đấu tranh chống cộng trong lòng người Việt hải ngoại có phần đã suy giảm. Đây là một thực tế! Nhưng may mắn thay, tỷ lệ này chỉ là số ít.
Những nguyên nhân đưa tới tình trạng nói trên, ai cũng thấy một phần là do sự mõi mòn vì tuổi già sức yếu của thế hệ Quân - Cán - Chính Việt Nam Cộng Hòa. Và một phần là sự xâm nhập gây chia rẽ cộng đồng do Việt Cộng chủ mưu giựt dây. Hiện tượng ngăn cản Nghị quyết Cờ vàng, chống đối cái tên “Little Sàigòn” có âm hưởng chống cộng của bà nghị viên Madison Nguyễn đã khiến không tránh khỏi người ta nghĩ ngợi về điều này.
Mặc dù cường độ đấu tranh có suy giảm, nhưng nhờ có các Ban Đại Diện Cộng Đồng, các hội đoàn quân nhân, các đoàn thể chính trị, các phong trào quốc gia chân chính nên lúc nào ngọn lữa chính nghĩa quốc gia cũng được giương cao, rực sáng khắp mọi nơi. Tuyến chống cộng tại hải ngoại vẫn vững vàng. Do đó có thể nói: “Sông có thể cạn, đá có thể mòn. Nhưng lòng yêu nước, tình yêu dân tộc trong những con người quốc gia chân chính không bao giờ thay đổi.”
Hình ảnh các phái đoàn Việt Cộng do những tên đầu xỏ như Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu xuất hiện ở bất cứ nơi đâu tại hải ngoại cũng đều bị người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản đón đường, rượt đuổi, đến nỗi chúng phải trốn chui , trốn nhũi và đi cửa hậu đã chứng minh tinh thần chống cộng của người Việt hải ngoại. Thành tích này không phải từ trên trời rơi xuống, không phải tự nhiên mà có, mà là do sự phối hợp khéo léo, nhịp nhàng giữa các Ban Đại Diện CĐVN với các đoàn thể quốc gia và đồng hương khắp nơi. Cho nên, sự hiện hữu của các Ban Đại Diện CĐ VN tại địa phương là điều cần thiết. Ban Đại Diện CĐ chẳng những giữ vai trò gạch nối với chính quyền trong tinh thần dân chủ và thượng tôn luật pháp, mà còn giữ vai trò bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc và hướng dẫn cộng đồng trong công cuộc đấu tranh cho một nước VN không cộng sản.
Với nhiệm vụ có vẻ vừa khiêm tốn trên phương diện xã hội, văn hóa, vừa nặng nề trên phương diện đấu tranh chống cộng, Ban Đại Diên CĐVN khắp nơi là cái gai trong mắt bọn CSVN.
Trước việc bầu cử Ban Đại Diện Cộng Đồng VN/BCL nhiệm kỳ 5 sắp diễn ra vào ngày 21 tháng 6 năm 2009, không ít người đã nêu ra câu hỏi: “ Ban Đại Diện CĐVN đã làm được những gì cho cộng đồng mà cứ bầu tới, bầu lui làm chi cho mất công, cho mất thì giờ và tốn tiền?”
Với câu nói này! Ai cũng thấy đây là tâm lý của người thích hưởng thụ, nghĩ đến quyền lợi hơn là thân phận của một người tỵ nạn CS, biết xót xa, biết nghĩ đến những thảm trạng đau lòng đang xảy ra cho đất nước trước sự cai trị ngu dốt, tham lam của bạo quyền Việt Cộng. Phân tách câu nói, chúng ta thấy có ba thành phần đã đặt câu hỏi này.
Thành phần thứ nhứt, là thành phần “không có cơ hội” để hiểu biết về sự thành lập cộng đồng nhân loại. Vì không có cơ hội, nên họ không hiểu được sự kiện những người cùng chủng tộc khi phải bỏ xứ ra đi đến định cư tại một vùng đất mới, người ta có tập quán quây quần bên nhau để giúp đở lẫn nhau, để bảo tồn văn hóa dân tộc của họ, bảo vệ bản sắc dân tộc của họ. Và phát huy lý tưởng của đời sống là một nhu cầu tất yếu cần phải có, nên phải thành lập một cơ chế đại diện.
Thành phần thứ hai, là thành phần phản bội lý tưởng quốc gia dân tộc, thành phần chối bỏ căn cước tỵ nạn cộng sản và muốn “hiến thân” để được đồng hóa với người bản xứ. Đây là thành phần Việt gian bám đuôi Việt cộng muốn biến cát Vàng thành cát Đỏ, muốn biến lúa Vàng thành lúa Đỏ, muốn biến ngày 30 tháng tư Đen đau thương thành 30 tháng tư Xanh của hy vọng.
Thành phần thứ ba, là thành phần Việt Cộng nằm vùng đang thi hành nghị quyết 36 của bọn chúng để gây chia rẽ, phá hoại sức mạnh cộng đồng VN tỵ nạn.
Trong phạm vi rộng lớn của một quốc gia hay trong pham vị nhỏ hẹp của một cộng đồng thiểu số. Người ta có thể suy nghĩ khác nhau về xu hướng chính trị, nhưng người ta không thể tách rời cá thể nằm trong một quốc gia hay trong một cộng đồng. Vì bước ra ngoài quốc gia thì mình thuộc chủng tộc nào, và bước ra ngoài cộng đồng thì bản sắc dân tộc của mình nằm ở đâu trên quả địa cầu? Cho nên, nhận thức đúng đắn để khỏi bị lầm lẫn giữa thái độ chính trị và nhu cầu cần thiết trong các cuộc bầu BĐDCĐ, để chọn lựa tham gia hay không tham gia sẽ nói lên trình độ nhận thức của con người.
Hiện Hoa Kỳ có trên 200 chủng tộc sống rãi rác khắp 50 tiểu bang. Mỗi một chủng tộc điều có một hình thức BĐDCĐ để bảo vệ văn hóa, bản sắc dân tộc của họ. Nên việc thành lập, bầu cử BĐDCĐ là điều tự nhiên. Nó sẽ trở thành thiếu sót, bất bình thường nếu chúng ta không thực hiện điều này và duy trì nó. Vì vậy, việc bầu cử Ban Đại Diện CĐVN và cứ mãi mãi phải bầu tới, bầu lui, hết thế hệ này tới thế hệ khác là một nhu cầu phải có của một dân tộc khi họ đến định cư tại một vùng đất mới. Nên luận điệu cho rằng sự thành lập cộng đồng VN tỵ nạn CS là thành lập “một quốc gia trong một quốc gia”, và thành lập Ban Đại Diện cộng đồng là thành lập “một chính quyền trong một chính quyền” là thủ đoạn xuyên tạc, phá hoại bầu cử BĐDCĐ của Việt gian và Việt cộng nằm vùng.
Trong đời sống, ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng có rất nhiều mơ ước. Những nhu cầu này của đời sống bao gồm vật chất lẫn tinh thần. Với thân phận là người tỵ nạn cộng sản - những nguời đã bị VC tước đoạt cả vật chất lẫn tinh thần đến nỗi phải bỏ nước ra đi, người Việt tỵ nạn CS đã mang nặng một nỗi buồn không nguôi nơi đất khách. Khi đến vùng đất mới với sức phấn đấu, và ý chí vươn lên, chúng ta phần nào đã xây dựng lại những mất mác vật chất nhờ thế hệ thứ hai. Nhưng về mặt tinh thần vẫn là niềm đau của kẻ lưu vong. Niềm đau này là kỷ niệm vui, buồn của một thời chinh chiến, mà người Việt lưu vong là quân, dân, cán, chính VNCH đã đỗ máu đào, đã rơi nước mắt để tưới lên và bảo vệ chính nghĩa quốc gia.
Lá cờ quốc gia VN màu vàng ba sọc đỏ hay mấy chữ “Thủ đô Sài Gòn” hay “Little Sài Gòn” là biểu tượng của nỗi đau, cũng là niềm tự hào của một dân tộc có quá khứ đấu tranh vì lý tưởng tự do cho nhân loại, của con người. Đây là hành trang mà người Việt tỵ nạn CS mang theo. Đây là thứ dĩ vãng không thể nào quên, chớ nói chi tới khó quên. Do đó, Ban Đại Diện Cộng Đồng người Việt khắp nơi là tiêu biểu cho những ý niệm thân thương kia. Đó là chưa kể các BĐDCĐ đã phối hợp với các đoàn thể để tổ chức những ngày lễ, những ngày kỷ niệm giữa chính trị và bảo tồn văn hóa như:
-Tết nguyên đán với hội Xuân.
- Tết Trung Thu cho các em thiếu nhi.
- Kỷ niệm Ngày Quân Lực 19/6.
- Kỷ niệm ngày Quốc Hận 30 tháng 4.
- Vinh danh tổ tiên, các anh hùng liệt nữ.
- vân vân và vân vân .
- Riêng tại thành phố San Jose, thủ đô chính trị của người Việt tỵ nạn CS, trong những năm vừa qua đã đấu tranh cho vụ Trần thị Bích Câu bị cảnh sát bắn chết. Và gần đây đấu tranh đòi danh dự cộng đồng bị TP chà đạp, tiếng nói công lý bị bóp nghẹt qua biến cố đặt tên “Little Sàigòn”, vụ kiện thành phố vi phạm luật Brown Act và trong những ngày sắp tới là vụ thanh niên Daniel Phạm bị cảnh sát bắn chết oan uổng …
Cho đến nay, ai cũng thấy lợi ích sự hiện diện của Ban Đại Diện Cộng Đồng, dù rằng cơ chế này không ban phát cho ai một quyền lợi vật chất nào. Nhưng trên mặt tinh thần, Ban Đại Diện Cộng Đồng VN khắp nơi đã cống hiến nhiều niềm vui cho người Việt tỵ nạn cộng sản với sự tung bay của lá cờ vàng thân yêu trên khắp phố phường hải ngoại.
Với sự hổ trợ tích cực của Liên Đoàn Cử Tri Người Việt Bắc Cali 10 ngàn lá phiếu, tiểu sử liên danh, tiểu sử đơn danh của ứng cử vào các chức vụ Ban Đại Diện Cộng Đồng và Ban Giám Sát CĐVN/BCL đã được gởi đến tận nhà cử tri. Quí Đồng hương đã nhận được chưa? Nếu đã nhận được, xin hãy chọn người xứng đáng bầu ngay theo sự hướng dẫn và gởi về Văn phòng Ủy Ban Bầu Cữ theo địa chỉ của bao thơ đính kèm. Riêng những đồng hương chưa ghi danh tham gia bầu cử bằng thư, có thể bầu cử trực tiếp tại hai địa điểm sau đây vào ngày Chủ Nhật 21 tháng 6 năm 2009:
1.- Tại Thanh 39 Gift Shop nằm trên đường Senter Road.
2- Tại tiền đình quật hạt Santa Clara số 70 W, Hedding St. nhân ngày Ban Đại Diện Cộng Đồng VN Bắc Cali phối hợp với Tập Thể Cựu Chiến Sĩ QLVNCH, Khu Hội CTNCT, Liên Hội Sĩ quan Trừ bị QLVNCH và nhiều đoàn thể khác tổ chức lễ chào mừng Ngày Quân Lực 19/6/2009
Tôn chỉ hoạt động của Ban Đại Diện Cộng Đồng VN/BCL từ ngày thành lập vào năm 1996 cho đến nay là:
- Không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản và các chế độ độc tài.
- Duy trì và phát huy văn hóa Việt Nam.
- Tranh đấu và bảo vệ quyền lợi của tập thể người Việt tại miền Bắc Cali.
- Tôn trọng nguyên tắc dân chủ và luật pháp Hoa Kỳ.
- Cộng tác với các cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
- Yểm trợ cho các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ tại Việt Nam.
- Liên lạc và thân thiện với các sắc dân khác tại Hoa kỳ.
Để tìm hiểu thêm những hoạt động trong tương lai của Ban Đại Diện Cộng Đồng nhiệm kỳ 5. Xin mời đồng bào tham dự thật đông buổi ra mắt cử tri của Liên danh ứng cử vào Ban Đại Diện và các Đơn danh Giám sát được tổ chức vào ngày thứ Bảy 13 tháng 6/ 2009, tại văn phòng BĐD số 2129 S. 10th. ST, San Jose vào lúc 1-3.00PM.
Đặng thiên Sơn
10/06/09
---